Tỷ giá sẽ còn biến động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một tuần áp dụng cơ chế tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm không còn cố định như trước đây nữa, mà được điều chỉnh linh hoạt, lên/xuống hàng ngày.

Dự kiến, tỷ giá trung tâm sẽ còn tăng giảm liên tục trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động.

Thả tỷ giá theo cung - cầu

Trong 5 phiên giao dịch, tỷ giá trung tâm có 3 phiên tăng (tổng cộng 29 đồng), 1 phiên đứng yên và giảm 1 phiên cuối tuần (10 đồng), tính chung cả tuần, tỷ giá tăng 19 đồng. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã biến động giảm nhẹ từ 20 - 40 đồng cả hai chiều mua vào - bán ra.
Khách hàng giao dịch tại Agribank chi nhánh Hà Tây. 	Ảnh: Công Hùng
Khách hàng giao dịch tại Agribank chi nhánh Hà Tây. Ảnh: Công Hùng
Giải thích hiện tượng này, phía các NH cho hay, với việc thay đổi tỷ giá mới, ngoài việc phải phụ thuộc vào “sức khỏe” của VND, thể hiện qua xuất siêu hay nhập siêu, NH Nhà nước (NHNN) phải tính toán sát biên độ dao động các loại tiền tệ đang lưu hành trong rổ tiền tệ quốc tế như USD, Yên Nhật, Bảng Anh, Euro.., gần đây là Nhân dân tệ (NDT). Rõ ràng, khi điều hành tỷ giá trung tâm có tham chiếu với một số đồng ngoại tệ trong rổ nói trên, thì Việt Nam cũng phải tính đến mức độ cung - cầu thị trường. Nếu đưa tỷ giá trung tâm khác với xu hướng thị trường thì sẽ xảy ra tình trạng cung không đủ cầu, hoặc ngược lại. Trên thực tế, ngay ngày đầu áp dụng cơ chế mới, “tâm lý thị trường đón nhận tích cực, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt. Tỷ giá trong biên độ NHNN quản lý, thấp hơn khá lớn so với mức trần quy định theo cơ chế mới này” - ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết.
Thông thường, giới đầu cơ chỉ găm giữ USD khi họ nhìn thấy xu hướng mất giá rõ nét của VND, nhưng thời điểm này, nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm USD.
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính tiền tệ
Với cơ chế mới mà NHNN đưa ra, mỗi ngày tỷ giá chỉ dao động một vài đồng và mọi người đều đoán được. Sau một hai tháng hay một hai quý, nhìn nhận tỷ giá thay đổi như thế nào thì mới có biện pháp bảo hiểm. Cơ chế này vẫn còn hơn là điều chỉnh một lúc tăng ngay 1 - 2%. Tức là với cơ chế mới, NHNN muốn mọi người nhìn thấy con đường đi và đoán định được xu hướng của tỷ giá.
TS Nguyễn Đức Độ -  Phó  Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính

Nhờ nguồn cung ngoại tệ NH dồi dào hơn nên giá USD tự do đã sụt giảm nhanh. Tính chung tuần qua, giá USD “chợ đen” giảm khoảng 100 đồng.

Vẫn cần phương án phòng vệ

Mặc dù cần tôn trọng quy luật cung - cầu tự nhiên của thị trường nhưng theo các chuyên gia, vẫn cần có phương án phòng vệ lại những yếu tố cung - cầu bất thường trong ngắn hạn để tránh tổn thương cho nền kinh tế. TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính phân tích: Thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế luôn có những biến động, Việt Nam không nằm ngoài những biến động này. Tham chiếu tới 8 đồng tiền, trong khi thời điểm này chỉ có USD là mạnh nhất. Đồng tiền gây ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu bây giờ lại là NDT. Lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và diễn biến của đồng NDT là những áp lực cần được theo dõi sát. “Ngoài ra, trong cơ chế tỷ giá mới còn phải tính đến các cân đối kinh tế vĩ mô. Nếu cân đối không hợp lý thì cũng không có lợi cho xuất khẩu, tạo điều kiện nhập siêu tăng. Cân đối không hợp lý thì dòng USD về cũng không đủ nhu cầu nhập khẩu, chưa nói đến vấn đề vốn ODA phải trả. Đây là áp lực cho NHNN” - ông Độ nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để điều hành tốt cơ chế tỷ giá mới, NHNN cần xây dựng và duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ đủ lớn để can thiệp khi có những biến động lớn trên thị trường ngoại tệ.

Còn về phía DN, theo bà Đặng Phương Dung - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lâu nay tỷ giá thường ít biến động nên những người làm công tác quản lý và tài chính của DN thường ít phải “động não”. Nhưng bây giờ, DN sẽ phải có bộ phận chuyên để nghiên cứu, dự báo giá cả của thị trường, xem xu hướng và sự biến động của đồng tiền để từ đó lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn.