Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá tăng, chênh lệch lãi suất VND-USD lớn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau khi giữ ổn định trong 7 tháng năm 2023, tỷ giá trong nước bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 8. Trong khi chênh lệch lãi suất VND-USD nới rộng...

USD “dậy sóng”

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 21/8 ở mức 23.897 đồng/USD. Đây là phiên giảm thứ hai sau khi có chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp trước đó. Nếu so với ngày 31/8, được NHNN niêm yết ở mức 23.219 đồng/USD thì tỷ giá USD trung tâm đã tăng 678 đồng.

Tỷ giá tăng nóng trong nửa đầu tháng 8. Ảnh minh hoạ
Tỷ giá tăng nóng trong nửa đầu tháng 8. Ảnh minh hoạ

Trong tuần trước (14/8 - 18/8), tỷ giá gây sự chú ý lớn khi ghi nhận những phiên tăng mạnh hiếm thấy kể từ đầu năm đến nay. Tỷ giá trung tâm tăng mạnh 4 phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ 5 điểm phiên cuối tuần.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD đã có lúc chạm ngưỡng 24.200 đồng vào sáng 16/8 rồi quay đầu hạ nhiệt về cuối tuần, đứng ở ngưỡng 23.960 đồng/USD (bán ra).

So với đầu năm, tỷ giá đã tăng 1,17%, còn so với thời điểm đáy của năm nay, tỷ giá đã tăng 1,65%.

Tại thị trường tự do trong nước, giá USD ở mức 23.900 - 24.000 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Giá USD lần này khá bất ngờ vì nguồn ngoại tệ trong nước đang rất dồi dào. Theo đó, Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD.

Theo giới chuyên gia, tỷ giá sẽ gặp khá nhiều áp lực trong giai đoạn cuối năm do chênh lệch lãi suất VND và USD. Xu hướng lãi suất tiền đồng liên tục đi xuống, trong khi lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn neo cao, đã làm dấy lên lo ngại về các hoạt động đầu cơ tỷ giá có thể quay trở lại. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%.

Bên cạnh đó, áp lực do đồng USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Chỉ số DXY trong thời gian vừa qua tăng lên 103 điểm và dự báo có thể tăng lên 104 điểm. Lợi suất trái phiếu tăng trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì mức lãi suất cao như hiện nay, chưa kể Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9 tới. Biên bản họp của Fed vừa công bố nhấn mạnh sẽ kiềm chế lạm phát chứ không quá chú trọng về tăng trưởng kinh tế.

Biến động tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát

Mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng theo giới chuyên môn, chưa đến mức đáng ngại. Theo Công ty Chứng khoán Kafi cầu USD gia tăng do yếu tố mùa vụ cuối năm buộc nhà điều hành phải cẩn trọng.

Theo đó, Kafi đưa ra 2 kịch bản. Ở kịch bản 1, nếu NHNN hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, dự kiến tỷ giá sẽ có khả năng dao động xung quanh mốc 24.000 VND/USD (±200 đồng). Ở kịch bản 2, NHNN vẫn quyết tâm với chính sách nới lỏng tiền tệ và thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng (+14%). Với kịch bản này, Kafi dự kiến tỷ giá sẽ có khả năng tăng cao nhất 25.000 VND/USD.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia, đơn vị phân tích đưa ra dự báo tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, nhưng VND sẽ dao động không quá +/-2% trong năm 2023.

“Áp lực tỷ giá dự báo sẽ giảm bớt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục duy trì thặng dư thương mại. Dòng tiền từ FDI và kiều hối vào Việt Nam dự báo tiếp tục ổn định. Nhiều thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 được dự báo sẽ giúp tăng nguồn cung ngoại tệ”-  TS Lê Xuân Nghĩa dự báo về tỷ giá.

Tỷ giá USD/VND bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều ngày tăng cao. Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần xác nhận, tỷ giá có dấu hiệu đi xuống vào cuối tuần, cung cầu ngoại tệ trong ngân hàng không quá căng thẳng.

Đánh giá về hoạt động điều hành tỷ giá thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các công cụ chính sách khác cũng như các biện pháp quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, củng cố vị thế VND, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Tú, NHNN vẫn đang triển khai các giải pháp quản lý thị trường nhằm hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài; thực hiện quản lý các giao dịch vãng lai... Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng.