Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến hết tháng 5/2022, cả nước có tổng số 870 đô thị với tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%.

Tại báo cáo liên quan đến kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch của Đoàn Giám sát của Quốc hội, Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, kể từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, các loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng, đô thị tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, là cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội vùng, địa phương.

Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%.
Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%.

“Tính đến tháng 5/2022, cả nước có tổng số 870 đô thị với tỷ lệ lập quy hoạch chung đạt 100%. Trong đó, quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết khoảng 40% so với diện tích đất xây dựng đô thị; quy hoạch vùng huyện đạt 35%. Đáng chú ý, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên cả nước đạt gần 99,8%” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, quy hoạch xây dựng các khu chức năng cơ bản hiện nay gồm khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu hay khu chức năng khác như khu du lịch, công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục - đào tạo… sau khi được thành lập đều được phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy định. Nhưng quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch tỉnh lập cho các TP trực thuộc T.Ư theo Luật Quy hoạch 2017 có sự trùng lặp, chồng chéo.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Mối quan hệ giữa quy hoạch chung đô thị và quy hoạch tỉnh được quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị). Theo đó, nội dung quy hoạch chung TP trực thuộc T.Ư là cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở TP trực thuộc T.Ư về tổ chức không gian, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở.

Nội dung Đồ án quy hoạch chung đô thị, TP trực trực thuộc T.Ư bao gồm: Xác định mô hình phát triển cấu trúc phát triển không gian nội thị, khu vực ngoại thị, kể cả không gian ngầm; xác định nguyên tắc, yêu cầu những định hướng không gian, kiến trúc, cảnh quan, cây xanh, mặt nước, điểm nhấn đô thị… Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Giao thông, cao độ nền, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn…

Như vậy, theo quy định ở Luật Quy hoạch 2017, nội hàm quy hoạch tỉnh không bao gồm các nội dung trên. Do đó, kết quả nghiên cứu, sản phẩm đầu ra của Quy hoạch chung đô thị cụ thể hơn, khác biệt với Quy hoạch tỉnh được lập cho TP trực thuộc T.Ư.

“Đồng thời, sản phẩm quy hoạch chung đô thị là công cụ chủ yếu để cơ quan quản lý Nhà nước cấp TP quản lý về đất đai, hạ tầng, không gian kiến trúc, cảnh quan trong đô thị và để thu hút đầu tư. Vừa là công cụ để kiểm soát, định hướng phát triển của từng đơn vị chức năng, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, triển khai dự án đầu tư, xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm.