Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ người muốn di cư tăng lên khi có thêm thông tin về biến đổi khí hậu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Kết quả phân tích từ khảo sát “Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam - PAPI năm 2020” vừa công bố đã cho thấy có sự tác động của di cư nội địa tới hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở 6 tỉnh, thành phố (TP) tiếp nhận lượng người di cư nội địa lớn nhất.

Theo nhóm nghiên cứu PAPI, vấn đề di cư đang trở thành mối quan tâm lớn ở Việt Nam, với lượng người dân di cư giữa các tỉnh, TP có xu hướng ngày càng gia tăng. Tại các tỉnh công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, tỉ lệ dân nhập cư vào tỉnh cao gấp 5 lần tỷ lệ xuất cư. Những phát hiện nghiên cứu này cũng cho thấy một số yếu tố thúc đẩy di cư, trong đó xem xét tác động của yếu tố biến đổi khí hậu tới việc lựa chọn di cư của người dân. Nghiên cứu PAPI đã thực hiện kháo sát thí điểm với 308 người có hộ khẩu tạm trú (HKTT) tại 6 tỉnh/TP có số người nhập cư nhiều nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương. Những ý kiến này được phân tích độc lập, không ảnh hưởng đến điểm tổng hợp chỉ số PAPI.

Khác biệt từ góc độ nhân khẩu học

Kết quả phân tích cho thấy có khác biệt rõ ràng giữa các nhóm dân cư khi phân tích phân tổ theo các yếu tố nhân khẩu học. So với nhóm người có hộ khẩu thường trú (HKTT), người có HKTT có xu hướng nghèo hơn, thu nhập thấp hơn. Người nhập cư trẻ hơn người thường trú khoảng 11 tuổi, có trình độ học vấn thấp hơn, nhiều người là phụ nữ. Họ ít có mối quan hệ với chính quyền hơn: Chỉ 3% người nhập cư là Đảng viên, so với 10% trong mẫu người có HKTT. Ngoài thực tế không biết nhiều về nơi đang tạm trú, người nhập cư cũng thiếu nguồn lực cần thiết để tự vận động chính sách vì lợi ích của mình.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về trải nghiệm và cảm nhận của người có HKTT và HKTT cũng khác nhau. Mức chênh lệch giữa 2 nhóm mẫu ở Đà Nẵng là thấp nhất. Ngược lại, người nhập cư ở Bắc Ninh trải nghiệm sự bất bình đẳng nhiều nhất bởi khoảng cách trong kết quả đánh giá của họ đối với hiệu quả quản trị và hành chính công ở Bắc Ninh thấp hơn so với người có HKTT tại tỉnh.

Khi phân tích mức chênh lệch về cảm nhận và trải nghiệm của người nhập cư so với người thường trú theo 8 chỉ số nội dung PAPI, mức chênh lệch này thể hiện rõ nhất ở 4 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Khoảng cách lớn nhất ở chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” được nhận định có thể do những người có HKTT không được mời tham gia góp ý trong các chương trình, dự án tại địa phương đang tạm trú. Đáng lưu ý ở những nội dung khác quan trọng hơn: Người nhập cư cho rằng họ ít được tiếp cận thông tin hơn, ít có khả năng khiếu nại hay tố giác hơn, ít có điều kiện tiếp xúc cán bộ địa phương hơn, dễ bị vòi vĩnh đòi hối lộ hơn…

Động cơ thúc đẩy di cư

Đặc biệt, báo cáo PAPI 2020 đã tìm hiểu động cơ thúc đẩy người dân di cư, xem ai muốn rời khỏi quê hương và di cư tới đâu. Kết quả cho thấy, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung có tỷ lệ người mong rời đi nhiều nhất. Có tới 19% số người được hỏi ở tỉnh Đắk Nông cho biết muốn chuyển đi nơi khác. Trái lại, người đang sống ở các TP lớn ít có nhu cầu di cư hơn, trong đó số người dân Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh mong muốn rời đi rất thấp.

Đáng chú ý, trong 2 địa điểm được ưa chuộng nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có tới 22% số người trả lời chọn TP Hồ Chí Minh là nơi họ mong muốn chuyển đến. Lâm Đồng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai cũng là những nơi phổ biến, với 4 - 6% số người trả lời lựa chọn chuyển tới.

Kết quả phân tích tổng mẫu cũng cho hay, lý do chính khiến người dân chọn di cư là đoàn tụ gia đình (chiếm gần 50%); có việc làm tốt hơn và môi trường tự nhiên tốt hơn là 2 lý do tiếp theo được nhiều người đưa ra.

Cùng đó, nghiên cứu PAPI 2020 tìm hiểu các yếu tố tác động tới nhu cầu di cư. Kết quả cho thấy, những người nam còn trẻ là nhóm mong muốn di trú nhất, dù thu nhập hiện tại cao hay thấp. Những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro và hiện sống ở nông thôn có xu hướng muốn di trú tới các khu đô thị, vùng phụ cận đô thị hơn. Nếu có người thân đang an cư lạc nghiệp ở nơi họ muốn đến thì càng thúc đẩy họ di cư mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý nữa, mức độ phát triển của một địa phương cũng là lực hấp dẫn dân nhập cư, trong khi yếu tố tăng thu nhập cá nhân không phải là động cơ tiên quyết.

Biến đổi khí hậu có tác động lớn

Để đánh giá tác động của thông tin biến đổi khí hậu đối với mong muốn di cư, khảo sát PAPI năm 2020 đã thêm một số câu hỏi thí nghiệm tìm hiểu tác động của thông tin về rủi ro mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu và bản đồ chỉ rõ những vùng đất có thể bị ngập lụt tới khả năng di cư của người dân. Câu hỏi được lập trình để các phân nhóm mẫu khảo sát nhận được câu hỏi về một hoặc tập hợp thông tin về rủi ro ngập lụt đến năm 2050 ở Việt Nam.

Tổng quan Chỉ số PAPI 2020

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người trả lời trong nhóm đối chứng mong muốn di cư thấp hơn 4 nhóm còn lại. Tỷ lệ người muốn di cư tăng lên đáng kể khi người trả lời được cung cấp thêm thông tin về biến đổi khí hậu. Khi có thêm thông tin về khả năng ngập lụt do mực nước biển dâng, số người trả lời sẵn sàng di cư tăng từ 8% lên khoảng 12%.

Có một điều thú vị từ nghiên cứu thực nghiệm này: Khi nhận thêm thông tin về việc một quan chức bày tỏ nghi ngờ về phát hiện nghiên cứu của tổ chức Climate Central về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, mức độ sẵn sàng di cư giảm từ 12,3% xuống 10,8% (tỉ lệ trong nhóm thứ tư). Tuy nhiên, khi bản đồ vùng bị ngập lụt được thêm vào, thông tin về phản ứng của vị quan chức không còn gây tác động mạnh như thông tin về mực nước biển dâng qua hình ảnh, thì tỷ lệ người trả lời muốn di cư tăng lên thành hơn 13%. Qua đó có thể thấy, thông tin khoa học càng chi tiết, sự ngờ vực càng giảm đi, thì việc tiếp nhận thông tin khoa học càng tốt.

Những phát hiện trên cho thấy, nếu thiếu thông tin về tác động của biến đổi khí hậu, người dân Việt Nam có thể đánh giá thấp nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra và ít nghĩ tới việc phải di rời khỏi những nơi chịu tác động mạnh nhất. Thông tin về rủi ro do biến đổi khí hậu càng rõ ràng, nhu cầu di cư càng tăng. Điều này thể hiện tính cấp thiết của việc cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về nguy cơ của biến đổi khí hậu để lãnh đạo địa phương và người dân chủ động tìm kiếm và áp dụng các biện pháp ứng phó thích hợp. Nhiều thiệt hại có thể xảy ra trong trung và dài hạn nếu chính quyền, người dân tiếp tục xây dựng công trình ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi họ không có thông tin đầy đủ, minh bạch về tác động của nước biển dâng.

Từ những khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu PAPI nhận định, có khoảng cách đáng kể về mức chênh lệch trong cảm nhận và trải nghiệm của 2 nhóm dân cư tạm trú và thường trú về hiệu quả quản trị và hành chính công ở các tỉnh, TP khảo sát thí điểm. Nỗ lực thu hẹp khoảng cách này tương đương nỗ lực của chính quyền của một tỉnh muốn đưa địa phương mình trong nhóm 5 tỉnh cuối cùng của cả nước lên 5 tỉnh đứng đầu trên Chỉ số PAPI. Điều này có nghĩa, các tỉnh, TP tiếp nhận người di cư cần nỗ lực gấp đôi để giải quyết thỏa đáng nhu cầu, mong đợi của cả người có HKTT và người có HKTT. Có lẽ đã đến lúc, Việt Nam cân nhắc xóa bỏ phân loại chế độ hộ khẩu và áp dụng mã số định danh phổ thông để mọi người dân đều có thể tiếp cận những dịch vụ quản trị và dịch vụ công như nhau ở tất cả địa phương trong nước.