Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ người Việt đọc sách thấp

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/4, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Dự hội nghị có Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam… cùng đại diện lãnh đạo Bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Lại Tấn
Phải khôi phục văn hóa đọc
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, qua 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy phong trào thực hiện Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc đã đạt được những kết quả khả quan. Với sự chung tay của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng DN, các nhà xuất bản cùng đông đảo những người có tấm lòng, văn hóa đọc đã được khôi phục và có bước phát triển đáng mừng. Phó Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn các cá nhân, DN, nhà xuất bản đã dành tài chính và tấm lòng của mình để đưa sách và tri thức đến với người dân ở những vùng khó khăn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, cần được khắc phục. Như việc đẩy mạnh triển khai hoạt động của Ngày Sách Việt Nam đến địa bàn cơ sở chưa đồng bộ; nhiều hoạt động tổ chức còn mang tính hình thức, chưa thật sự huy động được sự tham gia của cộng đồng; sự tham gia, phối hợp triển khai trong khối các cơ quan, tổ chức ở T.Ư còn hạn chế, chưa tạo được sự hưởng ứng chính và tạo thành phong trào đọc sách sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Cái gốc của văn hóa đọc

Hơn 5 năm qua, mô hình tư nhân xây dựng tủ sách hoặc thư viện cũng đã có tại Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến: “Nhân Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Nam Định, chương trình xây dựng 12.662 tủ sách lớp học đã được phát động. Theo cách này, một website đã được mở ra để liệt kê đầy đủ các trường học của toàn tỉnh được phân chia theo huyện hoặc theo cấp học. Cùng với danh mục trường học là danh mục sách cho từng cấp học. Mỗi danh mục chừng 300 tựa sách và mỗi tựa từ 2 - 3 cuốn, trị giá khoảng 20 triệu đồng”.

Theo mô hình này một người muốn tài trợ sách cho một trường học cũ của mình chỉ cần lên website chọn trường, danh mục sách sẽ được tự động chọn và chuyển đến nhà cung cấp. Theo cách này, trong ngày khai trường 5/9/2016 đã có 13.126 tựa sách với 40.849 cuốn sách, nặng hơn 11 tấn được đóng trong 591 kiện đã được Bưu điện Việt Nam chuyển đến tay học sinh Nam Định tại 57 trường thuộc tỉnh Nam Định. Mặc dù vậy, theo ông Bạch Ngọc Chiến chia sẻ: “Chừng nào còn không coi trọng thực học, không coi trọng việc tuyển dụng và sử dụng con người dựa trên thực tài và thực học thì chừng đó văn hoá đọc còn chưa thể phát triển được”.

Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện.
Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chúng ta chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần, cao nhất là Ấn Độ với gần 11 giờ; một số nước, vùng lãnh thổ châu Á như: Đài Loan (Trung Quốc) là 5 giờ, xếp thứ 27; Nhật Bản là 4 giờ, xếp thứ 28; Hàn Quốc 3 giờ, xếp thứ 29. Việt Nam khoảng 1 giờ. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2 - 3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách, và thuộc nhóm thấp trên thế giới. Malaysia, một nước gần chúng ta và trong khối ASEAN, là 12 cuốn sách mỗi người, mỗi năm, gấp 3 lần Việt Nam.