Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ nợ công giảm nhưng áp lực trả nợ tăng

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nợ công so với GDP ở nước ta đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, áp lực trả nợ ngày càng đè nặng nền tài chính quốc gia, trách nhiệm của Chính phủ và người dân.

Để kiểm soát sự an toàn trong vay nợ của Chính phủ, các quốc gia đều có quy định về trần nợ công. Khi quy mô nợ công tăng lên và sắp chạm trần nợ là báo động có nguy cơ vỡ nợ. Ở nước ta, Quốc hội quy định trần nợ công là 65% GDP. Năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP sắp chạm trần là khá nguy hiểm.
Nhưng từ 2016 đến nay nợ công liên tục giảm đã giúp Chính phủ và kể cả người dân có tâm lý “thở phào” với vòng kim cô gánh nợ quốc gia. Ngay cả diễn đàn Quốc hội vài kỳ họp sát đây, sau khi nghe báo cáo tích cực từ Chính phủ và Bộ Tài chính, không khí lo ngại của các đại biểu Quốc hội về nguy cơ nợ công dường như đã dịu hẳn.
Tuy vậy, tỷ lệ nợ công giảm cũng mới thể hiện trên con số thống kê. Vấn đề là ở chỗ, khi tỷ lệ này giảm tức nợ nần ít đi thì khả năng trả nợ phải tốt hơn. Thực tế chúng ta chưa chứng minh được điều đó. Thậm chí khả năng trả nợ đang có dấu hiệu khó khăn hơn. Tại sao?
Áp lực trả nợ tăng thêm
Thứ nhất, theo số liệu báo cáo, tỷ lệ nợ công những năm gần đây liên tục theo xu hướng giảm, từ 63,7% GDP cuối 2016 xuống 61,4% GDP cuối 2017 và chỉ còn 58,4% GDP cuối 2018. Về lý thuyết, dự báo sẽ nhẹ dần gánh nợ quốc gia.
Nợ công Việt Nam chủ yếu do đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Ảnh: Chiến Công
Tuy vậy, xét về số tuyệt đối nợ công đã tăng từ 2.556 nghìn tỷ (cuối 2015) lên 3.200 nghìn tỷ đồng (cuối 2018), tức tăng 644 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 25,2% trong 3 năm. Nếu so với tăng trưởng kinh tế cho thấy tốc độ tăng của nợ công cao hơn tốc độ tăng của GDP. Tốc độ tăng GDP là cấu phần quan trọng xác định khả năng trả nợ công. Vì vậy, khi tốc độ tăng nợ cao hơn tốc độ tăng nguồn trả nợ thì khả năng trả nợ kém đi là điều hiển nhiên.
Thứ hai, cơ cấu kỳ hạn các khoản nợ bất cập đã gây khó cho khả năng trả nợ. Phần lớn nợ công phát hành trái phiếu trong nước trước đây chủ yếu có kỳ hạn tối đa 3 - 5 năm nên rất bị động trong bố trí nguồn trả nợ đến hạn (nay tình trạng này đã cải thiện). Chẳng hạn, một số lượng lớn trái phiếu 5 năm mới phát hành từ 2015, 2016 sẽ đến hạn vào năm 2020, 2011. Việc vay nợ trung và dài hạn vẫn còn khó khăn.
Hiện cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ chỉ bao gồm: một số ngân hàng thương mại lớn, bảo hiểm xã hội Việt Nam, công ty bảo hiểm nhân thọ và một vài quỹ đầu tư tư nhân.
Trong đó ngân hàng được coi là nhà đầu tư tiềm năng nhất, chiếm 80% (2016) xuống còn gần 48% (2018) quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ, nhưng họ chỉ dư thừa vốn ngắn hạn. Các đối tác còn lại đầu tư trái phiếu chủ yếu vì mục tiêu an toàn chứ chưa phải theo mục tiêu kinh doanh.
Thứ ba, nợ mới hàng năm tăng nhiều do vay thực hiện mục đích kép, vừa để bù đắp bội chi ngân sách vừa để trả nợ cũ. Việc vay nợ mới để trả nợ cũ mà thuật ngữ quản lý gọi là cơ cấu lại nợ (đảo nợ) chứng tỏ khả năng trả nợ bế tắc.
Với cách này thực ra là nguy hiểm vì nợ sẽ chồng nợ và quy mô nợ sẽ tăng chứ không giảm được.
Theo Bộ KH&ĐT, dự toán bội chi ngân sách 2019 là 222.000 tỷ đồng. Chính phủ phải vay để bù đắp và vay thêm 200.000 tỷ trả nợ gốc, tổng cộng vay nợ khoảng 425.000 tỷ đồng.
Thứ tư, do giải ngân vốn nợ công từ trái phiếu Chính phủ nói chung chậm trễ nên vốn huy động đóng băng trên tài khoản Kho bạc Nhà nước làm gia tăng nợ lãi trong cấu phần số dư nợ công.
Theo một vị Vụ trưởng thuộc Bộ Tài chính, thông thường trái phiếu được phát hành vào dịp đầu năm đảm bảo lãi suất cạnh tranh với các ngân hàng. Thực tế ở đây, yếu tố lãi suất cạnh tranh làm lợi cho ngân sách về chi phí lãi vay là khá mù mờ, nhưng cách phát hành trái phiếu như thế này vô hình trung đã tạo nên sự lệch pha thường xuyên giữa thời điểm huy động và sử dụng vốn nợ công. Điều đó dẫn đến tăng chi phí trả lãi cho ngân sách Nhà nước chứ không phải làm giảm.
Dĩ nhiên, theo Nghị định 24/2016/NĐ-CP Kho bạc Nhà nước có thể sử dụng một phần nguồn ngân quỹ nhàn rỗi gửi kỳ hạn tại ngân hàng để hưởng lãi. Nhưng thực tế, họ có gửi không và gửi như thế nào thì hầu như người ngoài Kho bạc Nhà nước không thể biết. Điều này cần xuất hiện vai trò của Kiểm toán Nhà nước.
Theo một cán bộ chức trách (xin giấu tên) tại một ngân hàng thương mại lớn xác nhận, ngân hàng này có tỷ lệ lãi cận biên cao nhờ số lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước.
Thứ năm, áp lực trả nợ công càng tăng hơn khi Việt Nam đã phải kết thúc vay tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (1/7/2017) và của Ngân hàng Phát triển châu Á (1/1/2019). Từ sau các mốc thời gian đó, Việt Nam có thể phải áp dụng điều kiện tăng trả nợ gốc lên gấp đôi.
Đồng thời, các khoản nợ hiện hành sẽ bị rút ngắn thời gian vay, đặc biệt là điều chỉnh lại các hợp đồng cho vay lại. Vì vậy, theo Bộ KH&ĐT một số khoản vay ODA sẽ đến hạn từ năm 2021.
Làm gì để kiểm soát nợ công bền vững?
Nợ công lớn và tăng nhiều chưa phải là tiêu cực. Chẳng hạn như Nhật Bản quy mô nợ công đã trên 220% GDP hoặc Mỹ trên 105% GDP nhưng kinh tế-xã hội vẫn an toàn và phát triển. Tuy nhiên, các chính phủ luôn coi kiểm soát sự an toàn của nợ công là câu chuyện thường trực.
Nền tảng để kiềm chế và kiểm soát nợ công bao gồm các thành tố chủ yếu như thực trạng phát triển kinh tế, khả năng trả nợ, cơ cấu nợ, rủi ro nợ trong tương lai… Căn cứ các thành tố đó, thiết nghĩ Chính phủ, Bộ Tài chính nên lưu ý các vấn đề sau:
Một là, quan niệm đúng các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Theo đó, cần chia tay/triệt tiêu tư tưởng tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào vốn đầu tư. Nếu không, không thể giải quyết được nguy cơ nợ công bùng nổ trở lại.
Bên cạnh đó phải kiên quyết lộ trình cổ phần hóa DN Nhà nước để nhanh chóng thoái vốn Nhà nước tập trung cho đầu tư công để giảm bớt vay nợ. Đồng thời kiểm soát ổn định chi phí tài nguyên đầu vào của DN như giá điện, xăng dầu, vật liệu xây dựng, lãi suất tín dụng.
Hai là, để quản lý khả năng trả nợ công bền vững trước hết Bộ Tài chính nên bạch hóa thông tin tình hình huy động, sử dụng, mức độ an toàn của nợ công một cách thường xuyên, cập nhật. Trong đó, cần lưu ý 3 vấn đề.
Thứ nhất, tình hình huy động và hiệu quả sử dụng nợ công. Thứ hai, khả năng cân đối ngân sách và tăng nguồn thu để chi trả nợ công. Thứ ba, tình hình huy động và sử dụng quỹ tích lũy trả nợ. Thông qua minh bạch hóa thông tin như vậy chắc chắn kiểm soát an toàn nợ công sẽ tốt hơn.
Tại sao như vậy? Bởi chính tư tưởng tiến bộ của Luật Quản lý nợ công sửa đổi là trách nhiệm hóa tập thể, cá nhân trong quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Đồng thời, Luật này cũng trách nhiệm hóa nhiệm vụ giải trình cũng như chịu trách nhiệm pháp luật khi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của người đứng đầu đơn vị.
Ba là, điều chỉnh cơ cấu nợ công sát với điều kiện thị trường vốn và hiệu quả sử dụng vốn nợ công, cũng như kiểm soát chặt chẽ nguy cơ phát sinh rủi ro nợ công. Thực ra, Việt Nam đang theo động thái tích cực này trong các năm gần đây, đã đưa tỷ trọng nợ nước ngoài trong tổng nợ công chiếm trên 50% xuống chỉ còn 38,6% cuối năm 2018.
Điều kiện thị trường vốn quốc tế đang có xu hướng thắt chặt hơn do chiến tranh thương mại, riêng Việt Nam còn do hết thời gian được hưởng ưu đãi vay nợ. Cụ thể, Việt Nam phải vay nợ với điều kiện thị trường nhiều hơn, tức nghĩa vụ trả nợ nước ngoài sẽ tăng lên tương ứng. Mặt khác, do tỷ trọng hợp đồng vay có lãi suất thả nổi sẽ tăng nhanh nên rủi ro lãi suất quốc tế sẽ gia tăng.

Nợ công lớn và tăng nhiều chưa phải là tiêu cực. Chẳng hạn như Nhật Bản quy mô nợ công đã trên 220% GDP hoặc Mỹ trên 105% GDP nhưng kinh tế - xã hội vẫn an toàn và phát triển. Tuy nhiên, các chính phủ luôn coi kiểm soát sự an toàn của nợ công là câu chuyện thường trực.