Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên chiếm 62,6%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là những thống kê được đưa ra tại Hội thảo đánh giá hiệu quả triển khai các nhóm chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm do Đoàn Khối các cơ quan T.Ư, Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn và Đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức sáng 23/9.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Báo cáo của Cục Việc làm cho thấy, hiện nay, cả nước có 13,52 triệu lao động thanh niên có việc làm, chiếm 25,2% lao động có việc làm cả nước. Tuy nhiên, chất lượng việc làm cho thanh niên còn hạn chế, phần đông thanh niên là lao động tự làm và lao động trong hộ gia đình không hưởng lương (chiếm 50%); hơn 50% lao động thanh niên làm việc không có hợp đồng lao động. 

Vấn đề học nghề, lập nghiệp của thanh niên hiện nay là vấn đề bức thiết của xã hội. Các đại biểu cho rằng với tỷ lệ thanh niên chiếm trên 35% lực lượng lao động cả nước. Hàng năm, tỷ lệ thanh niên đến tuổi lao động chiếm 95% trong tổng số 1,2 - 1,5 triệu người được bổ sung vào lực lượng lao động của cả nước đã cho thấy, vấn đề học nghề và tạo việc làm cho người lao động, trong đó có thanh niên là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện. 

Trước nhu cầu và áp lực khá lớn của xã hội trong lĩnh vực việc làm cho thanh niên, những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật tập trung vào lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động (trong đó có thanh niên), các chủ trương, chính sách pháp luật này đã và đang được triển khai thực hiện và thu được những kết quả thiết thực. 

Giai đoạn 2011 – 2014, hàng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 – 1,6 triệu lao động. Tính đến tháng 7/2015, đã có trên 903.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó chủ yếu là lao động trong độ tuổi thanh niên (khoảng 60%). Mỗi năm, Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động, trong đó, khoảng 50% lao động trong độ tuổi thanh niên, chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Một trong những giải pháp để giải quyết việc làm cho thanh niên, đó là đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020, hơn 5 năm qua, đã có hơn 26.800 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia, trong đó có 18.500 lao động được tuyển chọn để đào tạo và khoảng 9.500 lao động đã được đưa đi làm việc tại các thị trường Malaysia, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản…  

Trong buổi thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, thu thập thông tin, nhu cầu về dạy nghề còn nhiều bất cập. Việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên thiếu đồng bộ, chưa có ưu đãi tốt cho đối tượng thanh niên nông thôn, vùng sâu. Việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tiếp tục là thách thức lớn... 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung phân tích sâu thực trạng và đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác về học nghề, lập nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc thực hiện các giải pháp về học nghề và tạo việc làm, vấn đề phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong công tác học nghề và tạo việc làm, nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp; nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn cơ sở về nghề nghiệp, việc làm.