Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố Hà Nội đạt 58,8%

D. Tùng - Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 58,8% (1.615/2.748), trong đó công lập là 68,2%.

Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy có Báo cáo một số kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” trên các lĩnh vực 6 tháng đầu năm 2020.
 Ảnh minh họa
Cụ thể, về phát triển văn hóa - xã hội: Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31, điều chỉnh địa điểm tổ chức một số môn, thẩm định 08 dự án cải tạo, nâng cấp công trình phục vụ SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021.
Phát triển Du lịch: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch đến Hà Nội sụt giảm mạnh, ước đạt 4,93 triệu lượt khách, giảm 65,4%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,95 nghìn tỷ đồng, giảm 61,5% (giảm 30,25 nghìn tỷ đồng).

Công tác thông tin và truyền thông: Phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền và hướng dẫn các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp thực hiện.

Phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo: Tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 58,8% (1.615/2.748), trong đó công lập là 68,2%, hiện đang có 82 trường thực hiện đánh giá, dự kiến tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2020 là 73,2% (1.661/2.228). Toàn Thành phố có 20 trường chất lượng cao, trong đó 14 trường công lập và 6 trường ngoài công lập.

Đôn đốc thực hiện dự án xây dựng chống xuống cấp, xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 - 2025, hoàn thiện kế hoạch xây mới, cải tạo trường học các cấp giai đoạn 2021 - 2025 trình duyệt, triển khai thực hiện Thông tư về xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, tạo tài khoản dạy học trực tuyến cho 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên các trường. Tích cực chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc năm học và thi chuyển cấp theo kế hoạch.

Phát triển khoa học công nghệ: Dự thảo quy chế và các biểu mẫu, triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 trình duyệt. Xây dựng đề án thiết lập Sàn giao dịch công nghệ Thành phố Hà Nội, triển khai các dự án đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ.

Phát triển công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân: Công tác phòng chống dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhằm kiểm soát thật tốt dịch bệnh, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn với các giải pháp thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

Thành phố chỉ đạo các địa phương, bệnh viện thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung, giám sát, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng, cách ly, khoanh vùng ổ dịch; Phân công 06 bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bệnh viện còn lại khám sàng lọc phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân.

Thành lập 48 tổ cấp cứu phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới điều trị bệnh nhân Covid-19. Tập huấn cho 3.050 lượt cán bộ y tế; 510 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn các bệnh viện. Tổ chức 02 lớp đào tạo sử dụng máy thở .Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19; Bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch tại các tuyến...

Các dịch bệnh khác đều giảm so với cùng kỳ và đặc biệt chưa có trường hợp tử vong do Covid-19, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đã ghi nhận 137 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc sởi, 367 trường hợp mắc tay chân miệng, 5 trường hợp mắc ho gà, 2 trường hợp mắc não mô cầu và 1 trường hợp mắc uốn ván.

Bổ sung giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường là 74,13%. Nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc và điều trị người bệnh, phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, duy trì ghép thận tại Bệnh viện Xanh Pôn (hiện đã ghép được 39 ca), bệnh viện Tim mạch, Ung bướu, ngoại khoa, nội soi, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình…

100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã, triển khai nâng cao chất lượng hoạt động của Trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, với chỉ tiêu 80% trạm, hỗ trợ chuyên môn cho các trạm Y tế, đã có trên 82% người dân được lập hồ sơ sức khỏe. Tập trung các giải pháp nhằm giảm tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19, tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra 822 đoàn, kiểm tra 37.280/42.125 lượt cơ sở (đạt 85,5%).

Về đảm bảo an sinh xã hội: Công tác thực hiện chính sách với người có công: tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho 7.545 trường hợp, làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tiếp nhận 118 đối tượng bảo trợ xã hội và 197 người lang thang vào các cơ sở bảo trợ xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang với 10.943 ca hỏa táng, đạt 62,5%.

Tiếp nhận cai nghiện bắt buộc cho 732/800 người, đạt 91,5%, tiếp nhận 1.341/2.000 người cai nghiện tự nguyện, đạt 67,1%; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 480/600 người, đạt 80%.

Thực hiện dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho địa phương quy hoạch, mở rộng các công trình phúc lợi, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới, từ đó hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Tổ chức triển khai dạng mô hình khuyến nông như trồng hoa theo hướng hữu cơ, chăn nuôi dê, bò sinh sản, trồng lúa chất lượng cao... ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất, thu nhập bình quân đầu người.

Đến nay, có 06 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm; có 355/386 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn nông thôn mới và 13 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô: Tiếp tục chuẩn bị cho cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 - 2020 (VSEF 2020); chuẩn bị cho kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2020 (HOMC 2020). Xây dựng đề án về việc triển khai việc dạy song bằng cấp tiểu học tại các trường tiểu học công lập.

Giải quyết việc làm cho 74.000 lao động, đạt 47,4% (giảm 22%) trong đó từ nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội ước đạt 1.245 tỷ, giải ngân cho 27.500 hộ, tạo việc làm cho 28.000 lao động; đưa 2.150 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng…
Việc xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm tổ chức thực hiện, thực hiện công tác quản lý xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước; tổ chức hội thi “Cán bộ phong trào giỏi” thành phố Hà Nội lần thứ Nhất; chỉ đạo việc tạm dừng hoạt động các rạp chiếu phim, dịch vụ trò chơi điện tử, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn thực hiện công nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá...

Việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử: ban hành công văn chỉ đạo về đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai và thực hiện 02 quy tắc ứng xử tại các địa phương.

Ban hành kế hoạch về phát triển văn hóa đọc thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030 . Tổ chức thành công Phố sách xuân Canh Tý 2020.

Tập trung xây dựng các mô hình Dân vận khéo ở tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Tổng số mô hình được đăng ký là 10.433 mô hình, tổ chức Cuộc thi viết về điển hình “Dân vận khéo”, tiếp tục triển khai cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”.