Cần có nơi tập trung điều trị F0 số lượng lớn
Những khu điều trị, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân F0 tại Bình Dương có diện tích rộng mênh mông, được trưng dụng, hoán cải nhanh chỉ trong thời gian ngắn từ cơ sở trường đại học, khu nhà xưởng sản xuất rộng hàng chục ngàn m2.
Tiến sĩ Dương Chí Nam (đứng) Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh Môi trường - Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch. |
Cụ thể, khu điều trị bệnh nhân F0 số 1 phường Thới Hòa (thị xã Bến Cát thuộc Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Bình Dương). Bệnh viện này đang tiếp nhận điều trị cùng lúc trên 13.000 F0, dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi số giường (27.000) khiến dự luận hoang mang lo lắng trước hình ảnh số lượng bệnh nhân đông nghẹt, số giường kê dày đặc, san sát...
Nhiều người đã đặt câu hỏi đầy lo lắng: “Tại sao công tác phòng chống dịch ở bên ngoài thì thực hiện giãn cách, còn trong bệnh viện lại tập trung quá đông người, mà toàn là người đang mang trong mình virus. Sự tập trung đông như thế có là nguyên nhân để các F0 không triệu chứng thành có triệu chứng, lây nhiễm chéo, nhiễm thêm chủng mới, cùng nhiều bất cập khác như đã từng xảy ra trong mấy ngày qua?".
Các băn khoăn lo lắng trên đã được phóng viên Kinh tế và Đô thị trực tiếp đặt ra với tiến sĩ Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường - Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ Công tác Đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch.
Ông Dương Chí Nam nhấn mạnh: “Nếu không có các khu điều trị, bệnh viện dã chiến rộng lớn, quy mô tiếp thu, điều trị từ hàng ngàn, đến chục ngàn ca cùng lúc, được quản lý, vận hành bằng công nghệ hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc, hội chẩn từ xa như hiện nay thì tình hình dịch bệnh ở Bình Dương đã không thể kiểm soát. F0 lây cho F0 trong cộng đồng tăng lên theo cấp số nhân do mật độ dân cư đông. Đặc thù của Bình Dương là người lao động, công nhân tập trung đông tại các khu nhà trọ, gần khu sản xuất, doanh nghiệp, chợ trung tâm thương mại...".
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (tứ 2 từ trái sang) kiểm tra từng giường bệnh bên trong bệnh viện dã chiến được trang bị phần mền quản lý cùng hệ thống hỗ trợ thông tin, oxy phục vụ điều trị F0 trước khi vận hành. |
Dù là bệnh viện dã chiến, khu điều trị tập trung bệnh nhân F0 được trưng dụng, hoán cải như thế nào thì cũng phải bảo đảm quy định y tế và an toàn phòng chống dịch như vệ sinh vô trùng, khử khuẩn... Vào viện tất cả đều là F0, được phân loại điều trị theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế” cho đến khỏi bệnh, xuất viện ra về. Sự lo lắng lây nhiễm chéo, bùng phát ổ dịch mới trong khu điều trị tập trung chỉ là lo lắng không mang tính chuyên môn. Mọi người nên an tâm ủng hộ, theo dõi kết quả, để động viên tinh thần đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng hỗ trợ và quan trọng hơn là tinh thần của người bệnh để cùng nhau vượt qua.
Chống dịch đúng hướng, tỷ lệ tử vong thấp nhất
Chiến thuật xét nghiệm nhanh, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị, tránh lây lan, bảo vệ an toàn cộng đồng là hoàn toàn đúng đắn. Nếu không áp dụng chiến thuật này thì không thể bao vây, khống chế, kiểm soát được dịch.
Bình Dương đã thực hiện trên 4,5 triệu xét nghiệm nhanh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đưa vào khu cách ly, các bệnh viện dã chiến để phân loại, điều trị. Tỷ lệ xét nghiệm và hiệu quả phát hiện, bóc tách F0 của Bình Dương được xem cao nhất cả nước hiện nay.
Hoạt động rà quét, xét nghiệm, bóc tách F0, kết hợp mô hình trạm y tế lưu động hỗ trợ điều trị tại các phường đang thực hiện “đông cứng, khóa chặt”, có sự phối hợp của quân đội, công an kịp thời đến hỗ trợ, cứu trợ, cung cấp lương thực thực phẩm, an sinh xã hội...đã giúp ổn định tình hình, người dân an tâm “ở đâu ở yên đó” để bảo vệ bản thân, gia đình và phòng chống dịch cộng đồng.
Kết quả bước đầu cho thấy: Thị xã Tân Uyên đã làm tốt; TP Thuận An đang có chuyển biến. Bộ Y tế đang tăng cường hỗ trợ thêm cho Thuận An 3 chuyên gia y tế để tăng cường hoạt động, giảm "vùng đỏ" tiến tới "xanh hóa" và kiểm soát dịch theo kế hoạch. Khu điều trị kết hợp cách ly tập trung tại trường THPT Bình Thuận, TP Thuận An được đánh giá thành công, an toàn, hiệu quả trong công tác kết hợp cách ly, điều trị F0. TP Dĩ An cũng đang học tập để áp dụng cho địa phương.
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 3 từ trái sang) thăm kiểm tra khu cach ly, điều trị Covid-19 trường THPT Bình Thuận, TP Thuận An. |
Tiến sĩ Dương Chí Nam cho biết, F0 khi được phát hiện trước khi vào viện, khu điều trị, phải được thu dung, phân loại theo cấp độ điều trị tầng 1, tầng 2, tầng 3, có bệnh lý nền, người mang thai, cho con bú, béo phì... Công tác thu dung từ đầu đã phân loại, đưa lên phần mền Quản lý bệnh viện để quản lý, theo dõi người bệnh ngay từ đầu. Công tác này giúp công tác điều trị, chuyển tầng, chuyển tuyến kịp thời theo hướng sớm nhất, dự phòng chuyển nặng, tai biến và xử lý cùng lúc số lượng lớn, phù hợp với tình hình dịch bùng phát, cấp độ, số lượng lướng như vừa qua.
Hệ thống quản lý vận hành thông suốt, hiện đại đã giúp giảm tỷ lệ tử vong rất lớn. Tỷ lệ tử vong trong điều trị F0 tại Bình Dương hiện tại là 0,8%, thấp nhất cả nước. Con số này khiến nhiều người, nhiều ngành đặt vấn đề có thật không? “Chúng tôi xin khẳng định: Tất cả đã được cập nhật trên hệ thống”.
Quá tải, bất cập là không tránh khỏi!
Theo Tiến sĩ Dương Chí Nam, dù là bệnh viện dã chiến, khu điều trị tập trung được hoán cải từ nhà xưởng, cơ sở giáo dục... nhưng tất cả đều được quản lý, vận hành theo một hệ thống hiện đại, thống nhất, cùng lúc có thể tiếp nhận số lượng lớn người bệnh trước diễn biến nhanh. Nhưng đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng hỗ trợ thiếu thì việc quá tải, bất cập như đã xảy ra vừa qua là không thể tranh khỏi. Chúng ta nên đồng cảm, chia sẻ, động viên tinh thần đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng hỗ trợ. Đặc biệt là vai trò chỉ huy, chỉ đạo điều phối của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở; các nhà doanh nghiệp, mạnh thường quân, lực lượng tình nguyện viên... đã ngày đêm làm việc, không ngại khó khăn, nguy hiểm.
'Nếu không có các bệnh viện dã chiến, quy mô lớn để tập trung quản lý, điều trị F0 thì dịch bệnh đã tấn công cả cộng đồng'- TS Dương Chí Nam. Ảnh: Bên trong Khu điều trị Covid-19 Thới Hòa, thị xã Bến Cát đang điều trị 13.000 F0 dự kiến tăng lên 27.000 F0. |
Đại dịch bùng phát nhanh, bất ngờ, kế hoạch hôm này thì ngày mai thực tế đã khác. Thế mạnh của Bình Dương là sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, sẵn sàng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý, điều trị người bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất. Nhưng Bình Dương không thể trong chốc lát tạo ra y bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng hỗ trợ để chăm sóc, động viên tinh thần cho từng người bệnh. Cần có sự hợp tác, hỗ trợ, chi viện giúp Bình Dương sớm hơn, kịp thời hơn từ nhiều phía để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
“Đây là khó khăn và cũng là nỗi lo phía trước của tỉnh Bình Dương trong phòng, chống dịch cần được cộng đồng xã hội quan tâm chia sẻ bằng tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau chiến thắng dịch bệnh” - Tiến sĩ Dương Chí Nam nói.