Chia sẻ với chúng tôi, tỷ phú 8X Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau 5 năm học chuyên ngành CNTT tại Nga, năm 2008, chàng trai Hà thành quyết định về nước và bươn trải cuộc sống với nghề lập trình tại một trung tâm máy tính nổi tiếng ở Hà Nội. Mưu sinh khó khăn, Phúc từ bỏ công việc nhàn hạ, trở về quê hương phát triển nghề truyền thống gia đình là nuôi chim bồ câu với mong muốn tạo công ăn việc làm lâu dài cho bản thân và mọi người xung quanh. Quyết định táo bạo, đột ngột khiến nhiều người ngạc nhiên, mặc cho gia đình, bạn bè ngăn cản nhưng Phúc vẫn quyết tâm khởi nghiệp với mô hình nuôi chim bồ câu.
|
Tỷ phú 8X Nguyễn Văn Phúc – vinh dự là một trong 10 thanh niên Thủ đô tiên tiến xuất sắc làm theo lời Bác năm 2018. Ảnh: Trần Thảo |
Kế thừa mô hình kinh doanh nuôi chim bồ câu của gia đình, chàng trai Hà thành không xây dựng theo cách truyền thống cha mẹ vẫn làm mà chọn lối đi riêng. Phúc mạnh dạn vay 40 triệu đồng vốn, đầu tư 100 đôi chim giống (nhập khẩu từ Pháp), chuồng trại, thức ăn và thuốc men, mở rộng quy mô chuồng trại… Do thông thạo CNTT, Phúc quảng bá sản phẩm chim bồ câu trên internet, nhanh chóng được cộng đồng chấp nhận và hưởng ứng. Năm 2009, Phúc thành lập trang trại và bắt đầu phát triển mô hình nuôi chim bồ câu từ đó đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, cơ hội đến với anh cũng lắm, thất bại cũng nhiều, do thiếu kinh nghiệm, lứa chim đầu tiên đổ bệnh chết gần hết, mọi vốn liếng gần như trắng tay. Đứng dậy sau những vấp ngã để tiếp tục theo đuổi đam mê, Phúc bắt đầu tự tìm tòi kỹ thuật nuôi chim trên mạng internet, sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình đã nuôi thành công tại miền Bắc và Nam, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, anh nhận thấy nuôi bồ câu là hướng đi mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tự tin với những kiến thức đã có, Phúc quyết định làm lại từ đầu với số tiền vay 30 triệu đồng, đầu tư 50 đôi chim bồ câu giống nhập khẩu từ Pháp, Mỹ và Nhật. Lần này, Phúc thành công và quyết định mở rộng quy mô phát triển thành trang trại. Năm 2014, trang trại của Phúc có đến 3.000 đôi chim câu giống.
Quả ngọtChia sẻ về mô hình nuôi chim bồ câu, chàng trai Hà thành cho biết: “5 năm du học tại Nga đã giúp tôi có những kiến thức nhất định để áp dụng vào làm kinh tế: Ứng dụng CNTT làm website để quảng bá trang trại của mình. Cũng nhờ đó mà tôi có thể nghiên cứu về cách nuôi chim, từ việc ăn đến ngủ, rồi khi có dịch bệnh thì phòng chống như thế nào…”. Theo Phúc, nuôi chim bồ câu không khó, bởi chúng rất ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần có chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Nguồn thức ăn cũng rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nguồn nước uống sạch.
Đặc biệt, tỷ phú 8X cũng đã mày mò, tự thiết kế mẫu lồng nuôi công nghiệp. Hệ thống lồng nuôi này không chỉ giúp tiết kiệm diện tích, quản lý dễ dàng đàn chim, mà còn giảm tối đa dịch bệnh lây lan. Hệ thống chuồng được thiết kế nhiều tầng, phân thành nhiều lô. "Nuôi bồ câu không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, vì bồ câu là thức ăn bổ dưỡng. Khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường" - Phúc chia sẻ.
Sau 10 năm khởi nghiệp, trang trại của Phúc có 9.000 đôi chim (Nhật, Pháp và Mỹ...), trong đó, bồ câu Mỹ là loại có giá thành cao nhất, thường được nuôi để làm cảnh. Tổng doanh thu hàng năm đạt 10 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hơn 2 tỷ đồng, trong đó, mỗi tháng, lãi gần 150 triệu đồng từ việc nuôi chim bồ câu. Hiệu quả từ mô hình nuôi chim bồ câu không chỉ giúp thu nhập của gia đình Nguyễn Văn Phúc liên tục tăng qua từng năm mà còn tạo công ăn việc làm cho 30 thanh niên, người dân trong vùng, với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, tỷ phú Hà thành luôn hướng đến cộng đồng, tận tình giúp đỡ, truyền kinh nghiệm cho những người có nhu cầu học hỏi, tìm hiểu về nghề nuôi chim, phát triển kinh tế địa phương. Hiện tỷ phú trẻ dự định mua đất để mở rộng quy mô trang trại và sẽ nâng quy mô đàn chim lên cao hơn trong năm 2019.q