Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ phú Hồ Hùng Anh: Tỷ phú USD đầu tiên của ngành ngân hàng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới sự trèo lái của "thuyền trưởng" Hồ Hùng Anh, Techcombank đã là ngân hàng tư nhân đầu tiên nằm trong Top 2 lợi nhuận hệ thống ngân hàng năm 2018.

Mới đây, Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019, tại đó, Việt Nam có 5 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD. Là một trong 2 gương mặt mới nhất xuất hiện trong danh sách này, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh được cho là đang sở hữu khối tài sản lên tới 1,7 tỷ USD.

Thành công của Techcombank in đậm dấu ấn của ông Hồ Hùng Anh
Thêm một tỷ phú khởi nghiệp từ mỳ gói
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, quê gốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng tốt nghiệp cử nhân ngành Điện tử tại Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Tại thị trường Nga, ông Hùng Anh chọn lĩnh vực mì gói và tương ớt để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Đến năm 1990, ông bắt đầu kinh doanh hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu.
Chủ tịch Techcombank có nhiều điểm chung với một vị tỷ phú USD khác của Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang do ngay từ khi bắt đầu làm ăn cho đến nay, cả 2 người luôn là đối tác thân thiết. Tuy nhiên, khác với ông Quang ở Masan, con đường đưa ông Hùng Anh đến với vị trí cao nhất tại Techcombank có phần chậm hơn.
Techcombank ban đầu được thành lập vào năm 1993 bởi một nhóm trí thức trở về từ Đông Âu, thuở đó ngân hàng này gắn liền với tên tuổi của ông Lê Kiến Thành. Đến năm 2005, ông Lê Kiến Thành đột ngột rút lui khỏi ngân hàng sau 10 năm giữ ghế Chủ tịch HĐQT và nhường vị trí này cho bà Nguyễn Thị Nga. Cùng năm 2005, ông Hồ Hùng Anh mới tham gia vào HĐQT Techcombank. Cho đến năm 2008, bà Nga rời Techcombank và ông Hồ Hùng Anh chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến nay.
10 năm dưới thời ông Hùng Anh làm Chủ tịch, Techcombank phát triển ấn tượng khi năm 2018 vừa qua ngân hàng cán mốc lợi nhuận vạn tỷ và là ngân hàng tư nhân đầu tiên nằm trong Top 2 lợi nhuận hệ thống ngân hàng. Techcombank cũng vừa niêm yết trên HOSE hồi tháng 6/2018 với mức giá chào sàn 128.000 đồng/cp, cao nhất trong "dòng bank".
Chính chiến lược kinh doanh đúng đắn đã giúp tạo nên thành công của ngân hàng này, khi Techcombank theo đuổi chiến lược khách hàng là trung tâm, cung cấp giải pháp tài chính toàn diện không chỉ cho khách hàng mà còn cả nhà cung cấp, nhà phân phối, người dùng cuối và nhân viên của khách hàng. Hệ sinh thái của nhà băng này thuộc diện tầm cỡ với những khách hàng lớn như: Masan, Vietnam Airlines hay Vingroup.
Ở Techcombank, ông Hùng Anh cùng các thành viên trong gia đình đang nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu TCB. Dù là Chủ tịch HĐQT nhưng ông Hùng Anh chỉ trực tiếp nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với 1,12% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong khi đó, các thành viên khác trong gia đình lại nắm giữ lượng cổ phiếu nhiều hơn. Vợ và mẹ ruột ông Hùng Anh hiện mỗi người sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu TCB; em gái và con trai của ông cũng lần lượt nắm lượng cổ phiếu khủng là 69,6 triệu và 137 triệu cổ phiếu TCB. Theo đó, ước tính ông Hồ Hùng Anh và gia đình có tỷ lệ sở hữu tới 17% vốn cổ phần của ngân hàng.
2 tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh (phải) luôn có mối quan hệ chặt chẽ.

Massan giúp ông Hùng Anh thành tỷ phú USD?

Như đã nhắc tới ở trên, ông Hùng Anh cùng Masan của ông Nguyễn Đăng Quang có quan hệ chặt chẽ với nhau. Và thực tế cũng cho thấy, tài sản của ông Hùng Anh cũng có tương đối đến từ đối tác lâu năm nay.

Cụ thể, 2 cổ đông lớn nhất của Masan hiện nay là Công ty cổ phần Masan sở hữu 31,4% và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 13,3%. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Masan lại là chủ sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.

Một số nguồn tin cho biết, ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh chính là 2 cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Masan với tỷ lệ sở hữu mỗi người khoảng 48%. Nếu tính tỷ lệ sở hữu chéo, ông Hùng Anh có thể liên quan khoảng 21,5% vốn tại Tập đoàn Masan, tương đương hơn 22.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Masan cũng chính là cổ đông lớn nhất nắm giữ 15% vốn tại Techcombank. Ông Hùng Anh có thể liên quan thêm 3,2% cổ phần tại Techcombank, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hùng Anh có thể rơi vào khoảng hơn 1,76 tỷ USD.

Được biết, ông Hùng Anh đã cùng tham gia với ông Nguyễn Đăng Quang trong việc điều hành Mansan Rus Trading tại Nga, tiền thân của tập đoàn hàng tiêu dùng Masan. Ông Hùng Anh từng giữ chức Tổng Giám đốc Masan Rus Trading từ năm 1997 đến 2004.

Trở về Việt Nam, ông Hùng Anh tiếp tục gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng Masan. Ông Hùng Anh lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và Công ty Cổ phần Masan (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư Masan). Đến tháng 4/2018, ông Hùng Anh mới từ bỏ mọi chức vụ tại Masan để tập trung cho Techcombank.