Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cần đam mê để giữ và duy trì thành công

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hiện thực hóa được mục tiêu đưa nước mắm và các đồ gia vị "bắt buộc phải có" vào trong căn bếp của mọi hộ gia đình Việt đã giúp ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu được khối tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD.

Mới đây, Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019, tại đó, Việt Nam có 5 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD. Là một trong 2 gương mặt mới nhất xuất hiện trong danh sách này, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang được cho là đang sở hữu khối tài sản lên tới 1,3 tỷ USD.
Các sản phẩm của Masan thường xuyên xuất hiện trong căn bếp Việt.
Bắt đầu từ mì gói
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, từng học tập và sinh sống ở Đông Âu. Chủ tịch Masan Group bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây. Sau một thời gian, ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt.
Đến năm 2002, nước tương Chin-su ra đời, cũng là thời điểm ông Quang đưa Masan trở về Việt Nam. Các năm sau đó, Masan Group liên tục thành công và xuất hiện thường trực trong bếp của người Việt với các sản phẩm như nước mắm Chin-su vào năm 2003, mì Omachi vào năm 2007.
Không dừng lại ở thị trường trong nước, tham vọng chiếm lĩnh thị trường nước ngoài đã được Masan chỉ rõ bằng cái bắt tay với đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan năm 2015. Masan tuyên bố sẽ mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước ASEAN. Cuối tháng 9/2016, Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan và cạnh tranh với hàng trăm sản phẩm cùng loại ở "thủ phủ của nước mắm".
Bên cạnh trụ cột là những sản phẩm dành cho góc bếp nói trên, tập đoàn của ông Quang còn có hàng loạt các DN đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của Masan Group như: Masan Resources (với Mỏ Núi Pháo), Masan Agri, Proconco, Vinacafé Biên Hòa, Masan Food (chuyên sản xuất nước chấm, mì gói), Bia Phú Yên...
Dù có quyền lực rất lớn tại “đế chế” Masan nhưng tài sản của doanh nhân kín tiếng Nguyễn Đăng Quang nhiều năm nay vẫn được giới đầu tư cho là khó thống kê. Lý do có lẽ là bởi vì ông đầu tư vào nhiều DN, nắm giữ theo cả kiểu cha-con, liên kết, cho tới mạng lưới đan xen và nắm giữ thông qua những người liên quan như vợ con nhưng ở những DN niêm yết trên sàn thì ông gần như không nằm giữ cổ phiếu nào.
Đam mê để thành công
Lý giải cho những thành công mà mình có được ngày hôm nay, ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng tất cả nằm ở hai từ 'đam mê'. Đam mê là thử thách lớn nhất của một người thành công, Masan giống như một thực thể. Mỗi người trong Masan như một người thành công. Thử thách lớn nhất của người thành công là hài lòng với thành công. Nếu bạn đến từ ngày hôm qua, bạn tự hào về thành công của mình, nó rất khác với khi bạn bắt đầu câu chuyện. Bạn tràn đầy một đam mê, bạn lao đến trước, đằng sau bạn không có gì để mất.
;Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cần đam mê để giữ và duy trì thành công - Ảnh 2
Ông Nguyễn Đăng Quang: Cần đam mê để giữ và duy trì thành công
Ông Quang nếu ví dụ, nhiều quản lý cao cấp trong tập đoàn của mình đều là triệu phú USD, đó là niềm tự hào của Masan, cũng là thử thách lớn nhất của Masan. Tại vì triệu phú, bạn có đủ hết, bạn không phải làm để sống, bạn không thiếu hào quang. Phải có một thứ để tiếp tục dẫn bạn đi tiếp, đó chính là đam mê. Điều này thể hiện rõ tinh thần của câu slogan về mảng tiêu dùng: “Phụng sự người tiêu dùng, thành công cho Masan, tự hào cho bản thân, hạnh phúc cho gia đình”.
Mỗi ngày tôi đều tự hỏi mình làm sao để đừng bị chê già. Năm kia tại buổi team building, trong nhóm lãnh đạo, mỗi người nói một câu để tự nhủ bản thân, thì câu của tôi là: “Giữ trọn đam mê”. Vì tôi sợ nhất là mất đam mê, nói điều đấy tức là sắp mất. Ở Masan, đam mê thực ra nó là cái để nối mọi người, Chủ tịch Masan Group chia sẻ.
Tất cả những điều khác mình có thể làm được: Công nghệ, kiến thức, máy móc, thiết bị, quy trình. Những người giỏi đều có thể làm được. Nhưng cái khó lớn nhất để bạn có thể làm được một cách vô cùng xuất sắc khi bạn đã có dự định đi tiếp, nếu không phải trí tuệ, thì đó là đam mê.
Một tổ chức mười mấy nghìn người, ai cũng giỏi, vẫn giữ được cái đam mê của tổ chức đấy. Khi bạn có đam mê, cái tổ chức ấy không phải đầu tư vào cái hệ thống gọi là đẩy đít bạn, kiểm soát bạn. Masan tin mình là một tổ chức đang có điều đấy và sẽ làm để điều đấy có nhiều hơn. Và nếu điều đấy có nhiều hơn thì cái mục tiêu không tưởng để trở thành công ty có giá trị bằng 10% GDP Việt Nam sẽ thành động lực cơ bản để đạt được điều ấy.
Cuối cùng tất cả những điều đấy đến từ con người. Con người dù có tài năng, dù có giỏi giang, dù có lợi ích tốt, mà nếu không có động lực, không muốn, không khát khao, không đam mê vào điều đấy, tin vào năng lực của mình, thì điều đấy sẽ không xảy ra. Đấy là điều trọng yếu tạo ra thành công lớn cho Masan, ông Quang khẳng định.