Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ phú Việt thăng hạng trên bản đồ thế giới

Quang Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nhân Việt Nam góp mặt trên các bảng xếp hạng đại gia “tỷ đô” trên thế giới.

Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là chỉ dấu cho thấy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nhân, DN Việt.
Thêm nhiều gương mặt sáng
Bảng xếp hạng mới nhất theo thời gian thực (realtime) của Tạp chí Fores cập nhật ngày 6/10, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 7,8 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 206 và tiệm cận nhóm 200 người giàu nhất thế giới.
Trong khi đó, với số tài sản trị giá 2,6 tỷ USD, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đã vươn lên vị trí 949 và nằm trong top 1.000 người giàu nhất thế giới được công bố.
Tạp chí Forbes cũng đánh giá bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại lớn. Vietjet Air được thành lập năm 2007, cho tới nay hãng hàng không này đã khai thác 120 điểm đến.
Cũng theo bảng xếp hạng ngày 6/10 của Forbes, ngoài hai gương mặt nổi bật trên, Việt Nam còn có 3 đại gia khác góp mặt trong danh sách tỷ phú đô la. Đó là ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco với khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD, đứng ở vị trí 1.402 thế giới; ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank sở hữu 1,6 tỷ USD, đứng ở vị trí 1.478 và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group sở hữu 1,3 tỷ USD, đứng ở vị trí 1.803 thế giới.
Trước đó, hồi tháng 3/2019, Tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019, trong đó Việt Nam góp mặt 5 tỷ phú USD. Ba gương mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2019 là những cái tên quen thuộc gồm ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương. Đáng chú ý, hai gương mặt mới được vinh danh trong danh sách năm nay là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh.
Ở thời điểm đó, với tổng tài sản 6,6 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng xếp thứ 239 thế giới, tăng đến 260 bậc từ vị trí 499 năm 2018, đồng thời ghi nhận lần thứ 7 liên tiếp có tên trong danh sách danh giá này của Forbes.
Tiếp tục có mặt trong danh sách năm nay nhưng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã giảm từ mức 3,1 tỷ USD năm ngoái xuống còn 2,3 tỷ USD, giữ thứ hạng 1.008 trong danh sách của Forbes. Doanh nhân Trần Bá Dương - người xuất hiện lần đầu trong danh sách năm trước, năm nay đứng vị trí 1.349 với tài sản 1,7 tỷ USD, giảm so với tài sản 1,8 tỷ USD hồi năm ngoái.
2 "tân binh" trong danh sách tỷ phú năm 2019 của Forbes đều là các cựu du học sinh khởi nghiệp kinh doanh từ thị trường Đông Âu. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank có tổng tài sản 1,7 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 1.349. Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group có tổng tài sản 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.717.
Đáng chú nhất, trong danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á năm 2019 mới được công bố hồi cuối tháng 9, Forbes vinh danh hai đại diện đến từ Việt Nam là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà sáng lập và CEO của Vietjet Air và bà Trần Thị Lệ - CEO của Nutifood.
Năm 2013, bà Trần Thị Lệ và chồng - ông Trần Thanh Hải trở thành cổ đông chính của một công ty thực phẩm Nutifood. Cả hai đã biến Nutifood trở thành DN sản xuất sữa dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam với doanh thu cao gấp ba lần, lên mức 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cao gấp năm lần, lên 828 tỷ đồng vào năm 2018.
Để có thêm nhiều “sếu đầu đàn”
Với việc ngày càng có nhiều tên tuổi góp mặt trong giới tỷ phú thế giới, các doanh nhân Việt Nam cũng phần nào cho thấy sự lớn mạnh của cộng đồng DN Việt. Tuy nhiên, so với các các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ít hơn rất nhiều cả về số lượng tỷ phú và tài sản họ sở hữu.
 
Theo số liệu của Forbes, Việt Nam là quốc gia có ít tỷ phú nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á có số tỷ phú sở hữu trên 1 tỷ USD. Kể từ năm 2013 khi Việt Nam có tỷ phú đô la đầu tiên có mặt trong danh sách của Forbes (ông Phạm Nhật Vượng), sau 6 năm, con số này mới tăng them 4 người. Trong khi số lượng tỷ phú mang quốc tịch Thái Lan lên tới 31 người, số tỷ phú người Singapore là 22 người, Indonesia là 21 người, Philippines 17 người, Malaysia 13 người.
Không những thế, khối tài sản các tỷ phú trong khu vực sở hữu cũng vượt trội so với nhóm đại gia Việt. Theo bảng danh sách ngày 6/10, tổng cộng 5 tỷ phú Việt Nam sở hữu 15 tỷ USD. Dù đã tăng 1,4 tỷ USD so với đầu năm nhưng số tiền này chỉ tương đương 1/4 tài sản của các tỷ phú người Malaysia và bằng 1/7 so với tài sản ròng của các tỷ phú người Thái Lan.
Bên cạnh đó, một số tỷ phú Việt lại ghi nhận dấu hiệu tụt hạng sau một thời gian ngắn góp mặt trong danh sách của Forbes. Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco rớt 53 thứ hạng so với hồi tháng 3/2019. Chủ tịch Ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh rớt tới 129 bậc và Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang rớt 86 bậc.
Hay mới đây, Forbes Asia vừa công bố danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay, Việt Nam đã đóng góp 7 cái tên trong danh sách này gồm: Masan Group, Thế giới di động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup. Theo đánh giá của Forbes, chiếm số đông trong danh sách này vẫn là các công ty từ Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc.
Nhiều chuyên gia dự báo, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, thời gian tới, Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều tỷ phú USD hơn nữa khi nhiều DN lớn sẽ lên sàn hoặc đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, để các DN, doanh nhân tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, cần có sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ, các bộ, ngành, cũng như các địa phương.
Qua đó, thực hiện tốt Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Năm 2019, hơn một nửa trong số 50 tỷ phú giàu nhất thế giới sống ở Mỹ. Ba quốc gia là Mỹ, Trung Quốc và Nga có nhiều đại diện nhất trong top 50. Trong đó Mỹ đứng đầu với 21 đại diện, tiếp theo là Trung Quốc 7 và Nga 5 tỷ phú.