Nhiễm tới 9 loại ký sinh trùng
Bà Đỗ Thị Hương, 55 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong 10 năm qua, bà thường xuyên bị những cơn đau đầu như búa bổ và chứng nôn mửa hành hạ, nhiều lúc ngất xỉu. Bà đã đi khám, điều trị nhiều nơi, uống đủ loại thuốc nhưng bệnh ngày càng nặng. Chỉ đến khi đến Bệnh viện Đại học Y xét nghiệm ký sinh trùng, bác sĩ phát hiện bà bị nhiễm tới 4 loài giun sán. Sau một liệu trình điều trị, bà khỏi bệnh hoàn toàn.GS.TS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết, ông đã chữa cho hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân bị giun sán. Trong số đó có hai trường hợp khiến ông nhớ mãi. Cả hai đều được người nhà khiêng cáng đến khám, điều trị, một người rơi vào tình trạng hôn mê. Đó là trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị T., 30 tuổi làm giáo viên ở Hà Tĩnh. Với các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn, chị được bệnh viện tỉnh kết luận bị rối loạn tiền đình. Bệnh quá nặng khiến chị mất thăng bằng, không đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân đều thực hiện tại giường, khi ra Hà Nội điều trị, bệnh nhân rơi vào hôn mê. Chỉ một ngày sau khi uống thuốc giun sán, bệnh nhân tỉnh lại và phục hồi dần.Theo GS Đề, đa phần người đến xét nghiệm đều dương tính với ký sinh trùng, cá biệt có người nhiễm tới 9 loài. Thực tế, có nhiều loại ký sinh trùng có thể vào não, cư trú tại đó gây ra u não, động kinh, đau đầu và các biểu hiện giống rối loạn tiền đình. Có 5 loài hay gặp nhất gồm: Ấu trùng sán lợn, giun lươn não, giun đũa chó, giun đầu gai và giun lươn ruột, trong đó có 4 loài, có thể làm tổ trong não tạo thành u (ấu trùng sán lợn, giun đũa chó, giun đầu gai, giun lươn ruột). Khi bệnh nhân chụp CT, MRI sẽ thấy rõ khối u, nhưng nhiều trường hợp u bé khó phát hiện. Đặc biệt nguy hiểm là loài giun lươn não rất khó nhìn thấy bởi nó bơi trong nước não tủy gây viêm màng não, có thể dẫn tới hôn mê nặng và tử vong.Bên cạnh đó, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người có thể làm thay đổi và khuếch đại một số chứng rối loạn thần kinh, như bệnh động kinh, Alzheimer, Parkinson, thậm chí có thể gây ung thư thần kinh. Vì thế, GS.TS Đề khuyên, người bệnh nếu thấy các biểu hiện đau đầu, rối loạn tiền đình không tìm được nguyên nhân, điều trị thuốc không có kết quả thì nên nghĩ tới nhiễm ký sinh trùng.Bệnh nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ quaCũng theo GS.TS Đề, các loài ký sinh trùng đều chiếm thức ăn và gây suy yếu cơ thể, đồng thời làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, sán lá gan nhỏ làm giảm chất lượng mật, rối loạn tiêu hóa, kém đàn hồi, tắc mật, xơ gan cổ chướng và có liên quan đến ung thư đường mật. Sán lá gan lớn gây áp xe cấp tính, hủy hoại tế bào gan, dễ chẩn đoán nhầm với ung thư gan, sán có thể di chuyển nhiều nơi gây tai biến nguy hiểm. Sán lá ruột gây viêm ruột, co thắt dữ dội. Sán dây kích thích tại chỗ, giảm hấp thu, ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt. Giun xoắn gây đau cơ, co cơ, nhất là cơ tim dẫn đến chết người… Ngoài ra, giun sán còn tiết ra nhiều chất độc cho cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, nhức đầu, có khi rối loạn tâm thần, có thể bị nhiễm độc nặng gây tử vong.Bệnh ký sinh trùng phổ biến trong cả nước, như bệnh giun đường ruột lưu hành ở mức cao trong cộng đồng, có nơi tỷ lệ nhiễm 80 - 90%; có ít nhất 32 tỉnh có bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành, có nơi tỷ lệ nhiễm trên 30%, sán lá phổi lưu hành ít nhất ở 10 tỉnh, có nơi tỷ lệ nhiễm 15%, sán lá gan ở ít nhất 52 tỉnh, có tỉnh trên 5.000 bệnh nhân.
Biểu hiện lâm sàng rất đa dạng ở từng nơi trú ngụ nên dễ bị bỏ qua. Đặc biệt, không chỉ người dân không biết đến bệnh mà ngay cả các bác sĩ lâm sàng cũng dễ bị bỏ sót. Thống kê cho thấy, có trên 75% số bệnh nhân mang mầm bệnh hoàn toàn không có triệu chứng, thậm chí đã tổn thương đường ruột và hệ gan mật rất nặng cũng không hề hay biết.Theo TS Nguyễn Văn Tuấn - Bộ môn Thần kinh, Học viện Quân y 103, bệnh ở não do ký sinh trùng thường biểu hiện âm thầm, không có tính chất đặc hiệu, diễn biến tăng dần với biểu hiện đa dạng như sốt âm ỉ kéo dài, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, co giật động kinh, gầy sút cân. Mặt khác hình ảnh tổn thương trên CT scanner hoặc MRI sọ não không điển hình, nên bệnh dễ nhầm với lao màng não, viêm não, đột quỵ não, ung thư. Đặc biệt, các bác sĩ cũng ít nghĩ tới mặt bệnh này nên dễ bỏ sót bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng.