UBND huyện Hoài Đức vào cuộc xử lý vi phạm hàng loạt lò mổ lợn hoạt động trái phép

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị có bài: "Hàng loạt lò mổ lợn hoạt động trái phép tại xã La Phù: Ai chịu trách nhiệm?”, phản ánh việc 4 lò mổ lợn hoạt động trái phép hơn một năm qua trong khu dân cư thôn Độc Lập gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

3/4 lò mổ lợn tại xã La Phù vẫn đang hoạt động gây bức xúc cho người dân.
3/4 lò mổ lợn tại xã La Phù vẫn đang hoạt động gây bức xúc cho người dân.
Những ngày cuối tháng 2/2016, phóng viên trở lại địa phương kiểm tra việc chính quyền các cấp huyện Hoài Đức vào cuộc xử lý lò mổ lợn của các ông Nguyễn Phan Hưng, Nguyễn Phan Quyền, Nguyễn Hưng Tiến và Nguyễn Hưng Tuấn. Qua đó được biết, nhờ có sự tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nên đến nay đã có lò mổ của ông Hưng dừng hoạt động. Các lò mổ còn lại vẫn hoạt động nhưng chỉ mang tính chất cầm chừng với số lượng lợn nhập về để giết mổ mỗi ngày ít hơn trước đây với mục đích nghe ngóng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và vừa cũng là để chuẩn bị chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, tiếng ồn của xe máy, ô tô, xô chậu, ô nhiễm từ nguồn nước thải của các lò giết mổ lợn vẫn gây ảnh hưởng cho các hộ dân xung quanh. Theo nhìn nhận của một số người dân địa phương, nếu chính quyền các cấp huyện Hoài Đức không quyết liệt vào cuộc hơn nữa thì chẳng bao lâu các lò mổ này sẽ hoạt động bình thường trở lại, khi đó việc xử lý sẽ rất khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa thừa nhận, do không quyết liệt xử lý ngay từ khi một số hộ manh nha xây dựng nhà, xưởng làm lò mổ nên một số hộ khác cũng làm theo. Nhưng gần đây, nhờ có sự tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động của các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng UBND xã, lò mổ của ông Hưng đã dừng hoạt động. 3 lò mổ còn lại hiện mỗi ngày chỉ giết mổ khoảng 20 con/ngày/lò. “Các lò mổ này đều hoạt động trái quy định, bên cạnh đó, chủ lò không có biện pháp xử lý tiếng ồn, chất thải dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù tháng 1 vừa qua, các chủ lò xin hoạt động tạm thời đến cuối tháng 3 tới sẽ di chuyển đi nơi khác, nhưng để tránh trường hợp các chủ lò thực hiện không đúng cam kết, UBND xã cùng các cơ quan chuyên môn của huyện vẫn tiến hành hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp chủ lò cố tình tái phạm, UBND xã sẽ đề xuất với UBND huyện cưỡng chế công trình vi phạm” - ông Khoa nói.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý cho biết, sau khi báo Kinh tế & Đô thị đăng tải bài viết, UBND huyện tiếp thu ý kiến của Báo, đồng thời ngày 20/1/2016, UBND huyện có Văn bản số 294/UBND-TNMT giao cho Phòng TN&MT, Phòng Tư pháp, Công an huyện, Thanh tra Nhà nước, Thanh tra xây dựng phối hợp với UBND xã kiểm tra, xác minh, có biện pháp ngăn chặn và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định. Qua kiểm tra và báo cáo sơ bộ, xác định các trường hợp này đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, kinh doanh không đúng ngành nghề được cấp trong Giấy chứng nhận kinh doanh và xây dựng nhà xưởng làm lò mổ trên đất nông nghiệp. Từ những vi phạm nêu trên, Công an huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 66 triệu đồng. Ông Lý khẳng định: “Trước mắt, UBND huyện giao cho các đơn vị liên quan tiếp tục cùng UBND xã tuyên truyền, vận động chủ lò dừng hoạt động giết, mổ lợn tại đây. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ vi phạm. Đến cuối tháng 3 tới, các hộ không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần