Nhà ngoại giao cấp cao của Ukraine vừa phát tín hiệu cho thấy nước này có thể tạm gác mục tiêu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đại sứ mới được bổ nhiệm của Ukraine tại Liên hợp quốc, ông Andrey Melnik, vừa cho biết mục tiêu chính của Kiev hiện tại là đạt được các đảm bảo an ninh có ý nghĩa, không nhất thiết phải gắn liền với tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Nhà ngoại giao này đã đưa ra phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên báo Berliner Morgenpost của Đức.
Kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, giới chức Kiev đã liên tục coi việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Đáp lại, Nga đã coi mối đe dọa từ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO xuất hiện tại biên giới phía tây của mình là một trong những lý do chính để nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
"Việc gia nhập NATO vẫn nằm trên bàn thảo luận của Ukraine," Đại sứ Melnik nói. Tuy nhiên, ông lưu ý thêm rằng " câu hỏi về các đảm bảo an ninh như một giải pháp tạm thời là vấn đề trọng tâm đối với chúng tôi".
Đại sứ Melnik nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy phải vượt ra ngoài các cam kết chính trị đơn thuần, giống như các cam kết đã được đưa ra cho Kiev trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Theo thỏa thuận đó, Kiev đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy các đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.
Nhà ngoại giao Ukraine lưu ý rằng "các đối tác của chúng tôi phải cam kết rõ ràng và chi tiết về việc họ sẽ nhanh chóng hỗ trợ quân sự như thế nào để bảo vệ Ukraine, nếu chúng tôi lại bị Nga tấn công".
Theo ông Melnik, cả thỏa thuận song phương và đa phương đều có thể được xem xét, miễn là chúng có tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế. "Các thỏa thuận này cũng có thể là một phần của hiệp ước hòa bình tiềm năng với Nga" - nhà ngoại giao Ukraine bổ sung.
Đại sứ Melnik cũng bác bỏ dự đoán rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể giảm đáng kể hoặc chấm dứt hoàn toàn viện trợ của Washington cho Kiev.
Tuy nhiên, ông đồng ý với quan điểm của đảng Cộng hòa rằng các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu nên chủ động hơn trong việc tự bảo vệ mình và hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Theo nhà ngoại giao Ukraine, các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu đủ giàu có và có khả năng chi tiêu nhiều hơn nữa cho quốc phòng.