Ukraine và nguy cơ chia hai nửa Đông – Tây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba tháng sau khi nổ ra các cuộc biểu tình nhằm phản đối chính quyền không ký hiệp ước liên kết với Liên minh châu Âu (EU), quyết định bãi nhiệm Tổng thống Viktor Yanukovych được Quốc hội Ukraine thông qua hôm 22/2 đã tạo ra bước ngoặt mới trên chính trường nước này.

Tận dụng việc Chính phủ Nga tập trung cho kỳ Olympic mùa đông tốn kém nhất lịch sử Thế vận hội, phe đối lập Ukraine đã nhanh chóng hành động. Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych và thủ lĩnh phe đối lập ký thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 3 tháng qua, Quốc hội Ukraine hôm 21/2 đã thông qua luật khôi phục bản Hiến pháp năm 2004 như một phần  của thỏa thuận vừa ký kết.

 
Lãnh đạo đối lập Yulia Tymoshenko phát biểu trước người biểu tình sau khi được trả tự do. Ảnh: AFP
Lãnh đạo đối lập Yulia Tymoshenko phát biểu trước người biểu tình sau khi được trả tự do. Ảnh: AFP
Sau khi Hiến pháp 2004 được khôi phục, Quốc hội Ukraine đã có một cuộc "thay máu". Ông Alexandre Turchinov - lãnh đạo đảng Batkivshina đối lập đã ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội. Một thành viên khác của đảng Batkivshina, ông Arsen Avakov trở thành quyền Bộ trưởng Nội vụ thay cho ông Vitaly Zakharchenko vừa bị Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm. Những vị trí quan trọng nhất trong bộ máy chính quyền đã được thay thế bằng người của phe đối lập nên Quốc hội Ukraine đã dễ dàng thông qua một nghị quyết bãi nhiệm ông Yanukovych vì đã không hoàn thành nghĩa vụ của một Tổng thống. Không những thế, Quốc hội nước này còn nhanh chóng thông qua các đạo luật do phe đối lập ủng hộ mà không cần sự đồng tình của Tổng thống. Trong đó, nổi bật là quyết định trả tự do cho lãnh đạo phe đối lập Yulia Tymoshenko đang chịu án tù 7 năm và cách chức Ngoại trưởng Leonid Kozhara.

Suốt 3 tháng qua, Ukraine đã không có một ngày yên tĩnh. Trong nước, chính trị gia tranh cãi trên bàn đàm phán; ngoài đường phố, biểu tình biến thành bạo loạn. Bên ngoài, phương Tây nhiều lần cảnh báo về một lệnh trừng phạt và phát đi tối hậu thư ủng hộ việc thay đổi chính quyền. Rồi máu của cả người biểu tình lẫn cảnh sát đã đổ như một minh chứng về sự mâu thuẫn đỉnh điểm giữa Đông - Tây. Trên thực tế, ngay sau khi rời khỏi một nhà tù ở Kharkov, bà Yulia Tymoshenko tuyên bố, Ukraine sẽ gia nhập EU "trong tương lai gần" và khẳng định sẽ tham gia tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới.

Trong khi đó, các nghị sĩ  địa phương ở khu vực miền Đông thân Nga đang hoài nghi về thẩm quyền của Quốc hội mới và quan ngại rằng Ukraine có thể bị tách làm hai phần. Còn Tổng thống Yanukovych, trong lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình kể từ khi ký thỏa thuận với phe đối lập đã khẳng định sẽ không từ chức và chỉ trích những mưu toan đảo chính tại quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, có vẻ như phe đối lập đã ở thế “thượng phong” trong ván cờ chính trị tại Ukraine khi tân Chủ tịch Quốc hội Alexandre Turchinov đã được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời. Chính quyền do phe đối lập đứng đầu lập tức tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trong tuần này.

Những gì đang diễn ra ở Ukraine cho thấy tình trạng đổ máu có thể sớm chấm dứt, nhưng để thiết lập lại ổn định, hòa hợp và hòa giải giữa miền Đông thân Nga và miền Tây thân châu Âu vẫn là chặng đường nhiều chông gai, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần