Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, UNESCO đã nhận được thư ngỏ về vấn đề nhà thờ Bùi Chu của nhóm kiến trúc sư Việt Nam. UNESCO khi đó thấy rất khó đưa ra quan điểm, nếu không trực tiếp thị sát, chứng kiến, trao đổi cụ thể thẳng thắn với người trong cuộc, đại diện của giáo phận.
Chính vì thế, văn phòng của UNESCO tại Việt Nam đã gửi thư đề nghị tới Tổng giám mục Bùi Chu vào ngày 7/5. Qua thư, UNESCO xin được bố trí thăm và trực tiếp trao đổi với lãnh đạo giáo phận về việc này. Sau đó, tổng giám mục chấp thuận đề nghị, tiếp đoàn công tác của UNESCO tới thăm nhà thờ vào ngày 10/5.
|
Nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Zing. |
Nhóm làm việc của UNESCO khi đó bao gồm cán bộ của văn phòng, GS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, một kiến trúc sư, một kỹ thuật viên scan dữ liệu số 3D và một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch.
Về hiện trạng nhà thờ Bùi Chu, vốn là điều gây tranh cãi, theo ông Micheal Croft: Nhà thờ Bùi Chu có hiện tượng sụt lún, và nhà thờ cho biết khoảng 60 - 70 cm. Quan sát trước mặt thì bị nứt và một phần bị nghiêng hẳn. Cấu trúc mái của nhà thờ mục nát. Ta phải nhớ lại, với điều kiện kinh tế của nhà thờ khi xây, nó không được xây để trường tồn. Bùi Chu không phải một nhà thờ đá như ở châu Âu. Bùi Chu được xây bằng vật liệu tận dụng, hỗn hợp và tối đa có thể tận dụng.
Về quyết định hạ giải nhà thờ để tái thiết, đại diện UNESCO cho rằng, quá trình đi đến quyết định này không phải qua một đêm hay một sớm một chiều.
“Họ cân nhắc nhiều phương diện, bên cạnh giá trị lịch sử của nhà thờ có còn nhiều mặt quan trọng cần tính đến. Trên truyền thông ít nói đến là yếu tố an toàn của dân chúng và quyền thờ cúng. Đó là tính tiếp nối liên tục tại địa điểm linh thiêng, bên cạnh việc bảo tồn kiến trúc, cấu kiện” – ông Micheal Croft cho hay.
|
Bên trong nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Zing. |
Bên cạnh đó, đại diện UNESCO cho biết: UNESCO ghi nhận và tôn trọng quan điểm và cảm xúc của cộng đồng có quyền thừa hưởng và vai trò của họ trong việc gìn giữ di sản và bản sắc văn hóa. Tiếp đến là cộng đồng địa phương. Với UNESCO, vai trò của cộng đồng thụ hưởng và cộng đồng địa phương là quan trọng nhất”
Ông Micheal Croft chia sẻ: “Chúng tôi bày tỏ với lãnh đạo giáo phận việc UNESCO sẵn sàng kết nối giáo phận, kết nối kinh nghiệm quốc tế để hỗ trợ giáo phận trong giai đoạn quan trọng hạ giải và tái thiết này”.