70 năm giải phóng Thủ đô

UNFPA tiếp tục hỗ trợ VN giải quyết thách thức tăng dân số

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiến sĩ Nguyễn Văn Phái cho biết tỷ lệ tăng dân số trung bình hàng năm giảm mạnh từ 1,7% thời kỳ 1989-1999 xuống còn 1,2% thời kỳ 1999-2009.

KTĐT - Tiến sĩ Nguyễn Văn Phái, Chuyên gia của UNFPA, cho biết tỷ lệ tăng dân số trung bình hàng năm  đang giảm mạnh từ 1,7% thời kỳ 1989 - 1999  xuống còn 1,2% thời kỳ 1999 - 2009. Con số này khẳng định mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm trong nhiều năm qua.

Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Bruce Campbell khẳng định UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cùng giải quyết các thách thức về tăng dân số, sự gia tăng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh, đồng thời cung cấp các căn cứ khoa học cho quá trình phát triển chính sách tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo “Đại biểu Quốc hội với chính sách về dân số” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hôm 9/11, ông Bruce Campbell đánh giá hội thảo là cơ hội để chia sẻ các thông tin cập nhật nhất về các vấn đề dân số, đặc biệt về kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, già hóa dân số, kế hoạch hóa gia đình và chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh; thảo luận, tìm kiếm các giải pháp chính sách cho những thách thức về những vấn đề nêu trên mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Về phía Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phái, Chuyên gia của UNFPA, cho biết tỷ lệ tăng dân số trung bình hàng năm  đang giảm mạnh từ 1,7% thời kỳ 1989 - 1999  xuống còn 1,2% thời kỳ 1999 - 2009. Con số này khẳng định mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, với gần 85,8 triệu người, Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới.

Về những khó khăn của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình hiện nay, Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, đánh giá tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác này chưa được củng cố và hoàn thiện theo đúng yêu cầu, chưa đủ lực để tổ chức triển khai mạnh các hoạt động; phong trào thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình ở nhiều địa phương cũng có xu hướng giảm sút so với các năm trước.

Công tác đào tạo đủ tiêu chuẩn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân số cấp xã mới đang trong giai đoạn xây dựng chương trình và mã số đào tạo, việc tập huấn tuy đã từng bước triển khai cho những cán bộ mới nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Trang thiết bị, dụng cụ y tế dành cho việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở  một số địa phương còn thiếu, không đồng bộ, kém chất lượng.

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương, kiến nghị cần xây dựng hệ thống sàng lọc sơ sinh từ trung ương đến cấp quận, huyện, có cán bộ quản lý chương trình làm công tác tư vấn mở rộng đối tượng thu thập mẫu ở cộng đồng để tăng tỷ lệ sàng lọc; xây dựng hệ thống Labo hoàn chỉnh cho các trung tâm sàng lọc để đủ năng lực sàng lọc sơ sinh cho các loại bệnh cơ bản hay gặp ở Việt Nam.

Các đại biểu còn thảo luận các chuyên đề  về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước những kết quả từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, nhu cầu kinh phí cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách về sàng lọc trước và sau sinh để nâng cao chất lượng dân số, những tác động của già hóa đến phát triển xã hội và kinh tế và những giải pháp về chính sách cho vấn đề già hóa dân số./