Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Về dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến từ phiên họp trước, Nghị quyết được chỉnh lý theo hướng: Bỏ quy định về điều kiện thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục 6 tháng trở lên; không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giữ nguyên quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri tại nơi cư trú như hiện hành và không bổ sung quy định về việc chia nhỏ số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri…
Về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất chỉnh lý quy định quy định một cách khái quát về số dư người ứng cử; rà soát kỹ và chỉnh lý các mốc thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo đúng quy định của Luật Bầu cử.
Liên quan đến hướng dẫn quy trình hiệp thương, một điểm đáng chú ý là dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác; nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định về việc xác định quy mô dân số của các đơn vị hành chính theo số liệu do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố và việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo làm cơ sở để xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu; về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và thể hiện vào trong dự thảo Nghị quyết.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh:Quochoi.vn |
Riêng về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định đặc thù về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội mà vấn đề này cần được báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 11.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung và Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.