Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp chưa được đầu tư thích đáng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các DN vừa và nhỏ trên địa bàn và các D...

Kinhtedothi - Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các DN vừa và nhỏ trên địa bàn và các DN Nhà nước trực thuộc TP còn ở mức hạn chế, mới chỉ dừng lại ở mức ứng dụng cơ bản, nhỏ lẻ chưa mang tính tổng thể. Nhận định này đã được Sở TT&TT Hà Nội đưa ra tại Hội thảo “Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả quản lý và sản xuất kinh doanh trong DN” diễn ra mới đây.

Lỗi từ nhận thức

Nhận định trên được rút ra từ cuộc khảo sát do Sở TT&TT chủ trì thực hiện trong 2 năm 2014 – 2015. Kết quả cho thấy, hầu hết các DN trên địa bàn TP vẫn thờ ơ với việc ứng dụng CNTT, và chưa mặn mà với vấn đề an toàn an ninh thông tin... Về ứng dụng phần mềm, trên 90% DN có ứng dụng website, đã ứng dụng các phần mềm như: Quản lý nhân sự, quản lý kế toán tài chính, Quản lý quan hệ khách hàng, Quản lý mua hàng, Quản lý tồn kho, Quản lý dự án... Tuy nhiên, đa số các phần mềm này không được quản lý tập trung, thiếu tính tổng thể. Về nhân lực phụ trách chiến lược đầu tư, ứng dụng CNTT, theo số liệu khảo sát, chỉ có 30% DN có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về CNTT.

 
Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp chưa được đầu tư thích đáng - Ảnh 1
Đáng chú ý, hàng năm, các DN chỉ dành 0,15 – 0,3% doanh thu cho đầu tư ứng dụng CNTT, kinh phí đầu tư chủ yếu dành cho các thiết bị phần cứng, mạng và dịch vụ, chưa tập trung đầu tư cho ứng dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu. Cũng chỉ có khoảng 26% DN xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm, khoảng 20% có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT và chuẩn hóa quy trình điều hành tác nghiệp theo ISO, một số ít DN có quy định đảm bảo an toàn thông tin (khoảng 7%).

Giải bài toán chi phí bằng công nghệ thông tin

Bên lề Hội thảo là Triển lãm các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT TP Hà Nội với sự góp mặt của 15 gian hàng trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ứng dụng CNTT do các DN đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội cung cấp. Đáng chú ý trong số này là phần mềm quản trị DN hợp nhất AMIS.VN của Công ty Cung cấp giải pháp Misa. Theo ông Nguyễn Huy Bình – Giám đốc Kinh doanh của Misa, đây là phần mềm đáp ứng tất cả các nghiệp vụ: Kế toán, bán hàng, nhân sự, công việc, truyền thông, tri thức, sáng kiến, chất lượng, hành chính... Trực tiếp sử dụng phần mềm quản trị DN hợp nhất AMIS.VN, bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường khẳng định, nếu không có phần mềm này thì Công ty cần đến 13 kế toán ở tại 13 cửa hàng của Nhật Cường để phục vụ việc xuất nhập chứng từ, quản lý các giao dịch..., sau đó chuyển dữ liệu về trụ sở chính để Kế toán trưởng nhập lại một lần nữa. Nhưng khi dùng AMIS.VN thì chỉ cần 4 kế toán mà vẫn đảm bảo được việc xử lý các giao dịch nhanh, chính xác, kịp thời.

Công ty TNHH Giải pháp phần mềm CMC cũng tự tin giới thiệu về phần mềm Quản lý hồ sơ công chứng online. Theo ông Nguyễn Kim Cương – Phó Tổng Giám đốc CMC, thực trạng ngành công chứng hiện nay là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các công chứng viên do không kiểm soát được tình trạng giao dịch của tài sản, không được ngăn chặn, cảnh báo khi các đương sự thực hiện giao dịch nhiều lần với cùng một tài sản, thời gian công chứng dài, gây phiền hà cho người đi công chứng do quy trình không thống nhất, dữ liệu chia sẻ chậm... Với phần mềm sử dụng công nghệ điện toán đám mây mới này, những rủi ro và khó khăn kể trên sẽ được giải quyết triệt để. Phần mềm này đã được cơ quan tư pháp ở TP Hồ Chí Minh tin dùng và đánh giá cao…

Còn rất nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng thông minh khác đã một lần nữa khẳng định sức sáng tạo, năng lực cung cấp của các DN CNTT trên địa bàn Hà Nội. Vấn đề còn lại là các DN và cơ quan Nhà nước có thực sự quan tâm và sẵn sàng đầu tư cho các ứng dụng CNTT góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sản xuất, kinh doanh hay không.