Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, huyện Quốc Oai tập trung đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả lớn cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất, chủ động được thời vụ và thay đổi được tập quán canh tác.

 Cấy máy mạ khay tại huyện Quốc Oai vụ Xuân 2020. Ảnh: Ngọc Ánh
Hiệu quả lớn

Đông Yên là một trong những xã sớm đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng với các khâu làm đất, mạ khay, cấy máy. Giám đốc HTX Nông nghiệp Việt Yên (xã Đông Yên) Đỗ Hữu Dự chia sẻ, mạ khay dễ chăm sóc và vận chuyển, chất lượng tốt, mạ mọc đều, cứng cây, rút ngắn thời gian sinh trưởng và giảm tới 50% lượng giống. Đặc biệt, mạ khay khắc phục được hạn chế phụ thuộc thời tiết của việc làm mạ ngoài trời. Ngoài ra, lúa cấy bằng máy thưa nên khả năng đẻ nhánh khỏe, cao gấp 2 lần cấy thủ công, lại ít sâu bệnh, giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe, môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn. “Chỉ tính riêng khâu gieo cấy lúa bằng mạ khay cấy máy đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 100.000 - 150.000 đồng/sào” – ông Dự cho hay.

Hộ ông Phan Viết Vinh, ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn được vay vốn Quỹ Khuyến nông TP để mua máy làm đất công suất nhỏ phấn khởi cho biết: “Trang trại trồng bưởi và ổi của gia đình tôi có tổng diện tích khoảng 3 mẫu, nếu làm đất bằng tay để tạo luống sẽ phải bỏ ra từ 30 - 35 ngày công lao động. Nhưng từ khi có máy làm đất, khâu này chỉ mất từ 3 - 4 ngày, rút ngắn còn 1/10 thời gian lao động, tiết kiệm tới 3 - 4 triệu đồng chi phí”.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc, sau 4 năm đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Quốc Oai đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất; 90% diện tích lúa được gặt bằng máy. Mỗi năm, số mạ khay cung ứng cho các xã gieo cấy tăng lên hàng chục nghìn khay, lợi nhuận bình quân của lúa cấy bằng máy cao hơn cấy lúa truyền thống từ 6 - 7 triệu đồng/ha.

Đa dạng kênh hỗ trợ

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa của huyện Quốc Oai khá thuận lợi nhờ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông hộ, HTX rất kịp thời. Đến nay, việc áp dụng gieo cấy lúa bằng phương pháp mạ khay, cấy máy đã được nhân rộng ra 16/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đáng chú ý, huyện đã hình thành mạng lưới các cơ sở bảo hành, sửa chữa máy nông nghiệp rộng khắp, đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa bảo dưỡng các loại máy nông nghiệp cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, để khuyến khích người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngoài chính sách chung của TP, huyện có cơ chế hỗ trợ một lần tối đa 50% giá trị máy nhưng không quá 75 triệu đồng/máy; riêng những hộ mua máy cấy Kubota 6 hàng được hỗ trợ 150 triệu đồng/máy. Giai đoạn 2017 – 2020, huyện còn hỗ trợ giống lúa, giá thể và khay mạ để thực hiện mô hình mạ khay cấy máy gần 200ha tại các xã; hỗ trợ 43 tổ chức, cá nhân hơn 2,7 tỷ đồng mua máy làm đất công suất lớn.

Bên cạnh đó, nông dân, HTX trên địa bàn huyện Quốc Oai cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có chương trình khuyến nông hỗ trợ nông dân vay mua máy làm đất đa năng với số vốn bằng 50% giá trị máy; phối hợp với các DN tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp… Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê cho biết, từ năm 2017 đến nay, huyện Quốc Oai đã có 14 hộ vay vốn từ Quỹ Khuyến nông TP để mua máy cấy 6 hàng, máy cấy 4 hàng, máy gặt đập liên hợp, máy làm đất công suất nhỏ với tổng số tiền 4,98 tỷ đồng.
Những năm tới, Quốc Oai sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa bằng phương pháp cấy máy mạ khay. Tiếp đó là thực hiện cơ giới hóa các khâu sau thu hoạch như phơi sấy, bảo quản nhằm tạo sự đồng bộ trong việc thực hiện quy trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn