Do vậy, việc kịp thời ứng dụng hiệu quả giải pháp công nghệ thông tin vào quản lý, hỗ trợ F0 tại nhà đã giúp TP giảm tải số người bệnh tại các điểm thu dung, cơ sở điều trị.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tránh tụ tập đông người tại các trạm y tế cũng như tối đa hóa việc tích hợp công nghệ thông tin (CNTT) vào phòng, chống dịch, mới đây, TP đã chuẩn bị đưa vào triển khai phần mềm hỗ trợ thủ tục hành chính cho F0 tại nhà.
Với phần mềm này, người dân sẽ được trả 4 mẫu thủ tục hành chính hoàn toàn thông qua môi trường trực tuyến gồm: Kết quả xét nghiệm, giấy nghỉ ốm, đơn thuốc và giấy xác nhận khỏi bệnh. Phần mềm này được xây dựng dựa trên nền tảng chăm sóc F0 tại nhà đã được Hà Nội triển khai hồi cuối năm 2021 nhưng được tích hợp tính năng chữ ký số nhằm đáp ứng các yêu cầu về pháp lý.
Với sự nỗ lực của các ban ngành của TP như Sở TT&TT và Sở Y tế, phần mềm hỗ trợ thủ tục hành chính cho F0 tại nhà đã hoàn thành xây dựng chỉ trong vòng 10 ngày và có thể bắt đầu triển khai diện rộng tới người dân kể từ tuần 21/3.
Về năng lực của phần mềm mới cũng đáng ghi nhận khi có thể đáp ứng được tới hơn 10.000 người truy cập cùng một lúc, tránh tình trạng quá tải thường thấy ở các hệ thống tương tự trước đây. Ngoài ra, hệ thống lưu trữ những hồ sơ có chữ ký số để phục vụ công tác xác thực, thanh toán bảo hiểm, đối chiếu với Bảo hiểm xã hội sau này cũng được tối ưu hóa với khả năng lưu trữ hồ sơ lên đến khoảng hơn 10 triệu hồ sơ.
Nói về phần mềm mới, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, tuy ứng dụng mới sẽ phục vụ chống dịch nhưng đây cũng là tiền đề để ngành y tế Hà Nội chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo. Có thể kể đến những hệ thống có thể tích hợp vào phần mềm này như bệnh án điện tử, bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử cho công dân trên địa bàn Thủ đô.
Có thể khẳng định, việc xác định công nghệ là “chìa khóa” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là chủ trương đúng đắn của Hà Nội. Công tác ứng dụng CNTT được triển khai có bài bản ngay từ thời điểm xuất hiện đại dịch đã giúp cho TP giảm thiểu được tối đa từ đó tiến tới xóa bỏ những bất cập trong quá trình phòng, chống dịch thực tế.
Không chỉ dựa trên những nền tảng công nghệ quốc gia như phần mềm PC-Covid, hệ thống quản lý tiêm chủng… nhiều địa phương trên địa bàn TP cũng đã có các biện pháp chủ động, sáng tạo khi sử dụng các phần mềm CNTT khác tưởng chừng không liên quan để thực hiện phòng, chống dịch.
Có thể kể đến là Zalo, đây là công cụ đang được nhiều phường, xã, thị trấn sử dụng để hỗ trợ chăm sóc, quản lý F0 tại nhà trên cơ sở các thông tin về xét nghiệm, mức độ biểu hiện bệnh của người nhiễm. Việc thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, thường xuyên liên hệ, cập nhật, trao đổi tại các khu dân cư đã giúp mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, Zalo cũng rất hữu hiệu khi người dân bị dương tính hoặc âm tính sau quá trình điều trị thay vì phải khai báo trực tiếp tại trạm y tế như trước đây giờ đã có thể gửi hình ảnh hoặc video qua ứng dụng này để có xác nhận từ địa phương chuyển đến tận nhà.