Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động từ thiện

Nguyên Tổng Giám đốc VTC - ông Nguyễn Xuân Cường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả 3 khâu tổ chức quyên góp, điều phối hoạt động và tổ chức giao nhận đều có thể ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình để tăng sức lan tỏa. Cách làm truyền thống đi “đến tận ngõ, gõ cửa từng nhà" của các tổ chức đoàn thể hiện nay cần được đổi mới để có hiệu quả cao hơn. Triển khai theo cách này, có những người ủng hộ ở 2 - 3 địa chỉ khác nhau (nhà riêng, cơ quan, hội nhóm…) nhưng chưa chắc hiệu quả đã cao. Việc ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân muốn tự tay mình đi đến tận nơi trao quà là điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ?

 Ảnh minh tính chất minh họa
Năm 2007, trong một chuyến đi công tác, ngồi trên ô tô nghe radio nói về lũ lụt miền Trung, tôi chợt nghĩ: “Tại sao lại không ứng dụng CNTT vào việc kêu gọi đồng bào trong cả nước ủng hộ đồng bào bị lũ lụt”. Thế là trong đầu tôi lóe ra ý tưởng thành lập một Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia với mục tiêu là cho phép các thuê bao điện thoại cố định, di động trên toàn quốc bằng dịch vụ tin nhắn, tự nguyện đóng góp kinh phí hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và phục vụ các mục đích nhân đạo, từ thiện khác.
Sau đó, tôi lên trình bày với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp và lập tức ông đồng ý cho triển khai ngay, giao cho VTC tổ chức. Không lâu sau Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đã ký quyết định số 1009/2008/QĐ-BTTTT thành lập Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400. Ngay từ đầu, các cơ quan báo, đài được giao nhiệm vụ truyền thông ủng hộ cổng thông tin này đều nhiệt tình ủng hộ bởi họ thấy tác dụng rõ ràng của nó.

Từ đó cho đến nay, Cổng thông tin 1400 kết hợp với các kênh thông tin truyền thông báo chí, truyền hình, ngành công nghệ thông tin cũng có những nỗ lực đóng góp đáng ghi nhận nhằm góp phần giảm bớt nỗi đau mất mát, khó khăn của cộng đồng.

Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 do VTC quản lý đã đóng vai trò là cầu nối cho những tấm lòng nhân ái đến với những mảnh đời bất hạnh. Bằng hành động đơn giản mà đầy ý nghĩa, hãy cùng chúng tôi chung tay góp sức cho cộng đồng bằng những tin nhắn yêu thương của mỗi người.

Đến nay, qua các chương trình nhắn tin "Góp đá xây Trường Sa”, "Tấm lưới nghĩa tình cho ngư dân Việt Nam" , "Triệu tin nhắn Việt Nam ủng hộ nạn nhân động đất, sóng thần Nhật Bản", chương trình nhằm ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại trong đợt lũ tháng 8/2007, "Tháng nhắn tin chung sức vì đồng bào miền Trung" năm 2010,… đã thu được hàng chục tỷ đồng chuyển đến các địa chỉ từ thiện.

Chúng ta thấy mới đây, trong đêm hàng trăm tin nhắn kêu cứu ở Quảng Bình, Quảng Trị và sau đó là Thanh Chương (Nghệ An) khi nước dâng của các gia đình neo người trên facebook, không có phương tiện, cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Hàng chục đợt xuồng, ô tô đã lao đi trong mưa khi nhận được tin kêu cứu và họ đã được cứu thoát trong gang tấc.

Đã đến lúc phải có địa chỉ trên internet để những người gặp hoạn nạn, kêu cứu được đến với các đội cứu hộ nhanh nhất. Kinh nghiệm thành lập các app sử dụng cho công tác cứu nạn, cứu hộ và điều phối hàng cứu trợ của các nước trên thế giới cần sớm được triển khai ở Việt Nam. Có nó, chúng ta sẽ nắm bắt được thông tin đồng bào cần gì, nơi nào cần gì, thời điểm và cách tiếp cận các địa bàn khó khăn, trao được tận tay tiền, hàng cho người dân. Tôi cho rằng, trong thời đại 4.0 chúng ta cần phải có nhiều ý tưởng dùng CNTT để làm công tác từ thiện để đa dạng hóa các kênh quyên góp, ủng hộ cũng như cứu hộ, cứu nạn, điều phối hàng, tiền cứu trợ và tổ chức giao nhận cho người dân.