70 năm giải phóng Thủ đô

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp Hà Nội phải đi đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù là nơi tập trung rất nhiều viện nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu cả nước, song liên kết trong nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội còn nhiều hạn chế.

Liên kết rời rạc

Tại diễn đàn ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa được Sở KH&CN tổ chức, các đại biểu nhìn nhận, thời gian qua, TP đã rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, từ cơ chế chính sách cho tới nguồn lực đầu tư. Với sự quan tâm ấy, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Đội ngũ cán bộ KHCN trên địa bàn TP cũng không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Tham quan mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. 	Ảnh: Quang Thiện
Tham quan mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Ảnh: Quang Thiện
Thống kê của Sở KH&CN cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015 đã có 493 đề tài, dự án nghiên cứu thuộc chương trình KHCN cấp TP được triển khai. Cũng theo đánh giá của Sở KH&CN, những năm qua, hàm lượng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp ngày càng tăng, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả được kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được nhân rộng. Nhiều tiến bộ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được bà con nông dân hồ hởi đón nhận.

Tuy nhiên, theo nhận xét của đa số bà con nông dân, việc chuyển giao tiến bộ KHCN hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Điều này cũng dễ hiểu khi 5 năm qua, trong số gần 500 đề tài, dự án nghiên cứu KHCN cấp TP mới có 10 loại vật nuôi, cây trồng đưa vào sản xuất, 22 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc sản được cấp nhãn hiệu tập thể… Ông Lê Văn Mùi - chủ một trang trại trồng cây ăn quả ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức chia sẻ, hiện nay do chưa được hỗ trợ chuyển giao giống cam Canh, bưởi Diễn chất lượng cao nên hầu hết người dân phải tự ghép cành, dẫn tới năng suất, chất lượng quả còn hạn chế nhất định. Điều đáng nói, nhiều nghiên cứu KHCN mặc dù có hiệu quả rõ rệt, song chưa được triển khai rộng rãi. Đơn cử như công nghệ sấy tăm hương bằng hơi nước tại làng nghề Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả rất lớn về giảm ô nhiễm môi trường nhưng do đầu tư ban đầu lớn nên người dân không mặn mà. Nhiều tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cũng chỉ được áp dụng trên quy mô nhỏ lẻ.

Thừa nhận những hạn chế đang tồn tại, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Phạm Trung Chính  cho rằng, cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển KHCN còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả còn thấp, nhất là cơ chế tài chính cấp cho các đề tài, dự án còn nặng về thủ tục. Đặc biệt, hoạt động gặp gỡ tiếp xúc, đặt hàng trực tiếp giữa DN và nhà nghiên cứu chưa thường xuyên.

Phát huy vị thế

Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội tập trung khá nhiều cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu KHCN cùng một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, thời gian qua, dường như lợi thế này lại chưa được phát huy hiệu quả, thậm chí có thể nói là bị “bỏ quên”. Chia sẻ tại diễn đàn, một số nhà khoa học thành thật cho biết, họ thường phải “đi tắt” trong quá trình đưa giống, tiến bộ kỹ thuật mới xuống thẳng HTX và bà con nông dân. Lý do là bởi nếu qua cơ quan quản lý Nhà nước theo quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian cho thủ tục, giấy tờ. Và để tạo dựng lòng tin cho người nông dân, phương châm được một số nhà khoa học đưa ra là “được chia đôi, thất bại đền 100%”.

Câu chuyện đi đường vòng của các nhà khoa học một lần nữa đã chứng minh cho bất cập về cơ chế, chính sách mà chính Sở KH&CN đã chỉ ra. Điều này cũng lý giải vì sao việc ứng dụng KHCN trong nông nghiệp của Hà Nội còn chậm so với nhiều địa phương khác dù có lợi thế hơn. GS Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam nhận định, Hà Nội có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, có thế mạnh nhưng đang bị sản phẩm của Đà Lạt (Lâm Đồng), TP Hồ Chí Minh, thậm chí ngay tỉnh láng giềng Vĩnh Phúc vượt lên. Theo ông Hùng, Hà Nội phải đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, phát huy hết tiềm năng sinh học và lợi thế về tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu trên địa bàn.

Một thực tế đang tồn tại hiện nay là, các DN chủ yếu tập trung vào nhập khẩu công nghệ thiết bị trọn bộ và nguyên vật liệu nước ngoài để sản xuất, gia công sản phẩm. Do đó, hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa có chiến lược phát triển lâu dài, đồng bộ, bền vững đi bằng “đôi chân” của KHCN. Rõ ràng, tìm lại vị thế trên đường đua về KHCN là bài toán đặt ra cho Hà Nội trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Để làm được điều này, ngoài cải cách cơ chế thu hút đầu tư, nghiên cứu KHCN, việc tìm tiếng nói chung với sự bắt tay chặt chẽ giữa nhà khoa học, DN và nông dân có vai trò rất quan trọng.

Ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cho biết, hiện nay, Chính phủ đã phê quyệt quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Hà Nội có một khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đông Anh. Nếu làm tốt, đây sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa ra toàn TP. Ông Quang cho rằng, TP cần tính toán sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp hiện có gắn với đẩy mạnh ứng dụng các mô hình sản xuất bền vững có hàm lượng KHCN cao nhằm giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Trong đó phát huy thế mạnh của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đầu ngành trên địa bàn, xây dựng hệ thống cung ứng vật tư cũng như các dịch vụ đảm bảo chất lượng cho sản xuất nông nghiệp.