Ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng Thành phố sáng tạo

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xây dựng thành công và giữ vững thương hiệu Thành phố sáng tạo, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, hành động cụ thể mang tính chiến lược. Trong đó, Hà Nội đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Nhiều bảo tàng, khu di tích ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến... Nhiều đầu việc đã được triển khai hiệu quả trong những năm qua, song còn không ít nội dung gặp khó khăn, thách thức, cần sớm có giải pháp thúc đẩy phát huy hết tiềm năng.

Bài 1: Đòn bẩy công nghệ

Năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, TP Hà Nội đã tận dụng tốt nền tảng công nghệ làm đòn bẩy giúp Hà Nội phát huy các giá trị văn hoá trong xây dựng, phát triển, thực hiện các cam kết khi tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ứng dụng công nghệ trong quảng bá di tích lịch sử

Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, là di tích tiêu biểu, điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.
Những ngày qua, ghi nhận tại khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng trăm lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm cả ngày và đêm.

Tại quầy soát vé, khách đi theo đoàn vào cổng trật tự và nhanh chóng. Du khách không phải chờ đợi thời gian mua vé bởi trưởng đoàn là hướng dẫn viên du lịch đã cập nhật mua vé trên hệ thống điện tử. Đây là thành quả sau hơn 1 năm khởi động triển khai vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (từ tháng 5/2022 đến nay) đã tạo bước đột phá trong việc đổi mới công tác quản lý thông qua chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, để phục vụ công tác nghiên cứu, hướng đến sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh” nhằm kết hợp kỹ thuật công nghệ 4.0 (công nghệ tương tác, số hóa 3D, công nghệ sách điện tử, công nghệ AR/VR, công nghệ mô phỏng phục dựng 3D…).

Cùng với việc phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ, trung tâm cũng bước đầu tiếp cận, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với nghệ thuật tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, quảng bá giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên hiệu quả hơn. Sử dụng sức mạnh của công nghệ số trong các trưng bày, triển lãm tại di tích như trưng bày “Chu Văn An - Thượng tường Sơn đẩu”, trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”, triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh của di sản Hà Nội giai đoạn 1989 - 1954”.

Mới đây nhất, tối 29/10, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức lễ ra mắt chương trình trải nghiệm đêm (tour đêm) Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề "Tinh hoa đạo học".

Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều bảo tàng, khu di tích đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.

Có thể kể đến Bảo tàng Hà Nội với nhiều chương trình ứng dụng công nghệ đa chiều, nhiều tương tác trong trưng bày nghệ thuật hội họa “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”; triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”...; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội áp dụng phần mềm hướng dẫn tham quan trên điện thoại di động; nhiều di sản trong phố cổ Hà Nội ứng dụng công nghệ ảnh “360 độ”, đem đến cho du khách cơ hội tìm hiểu về các di tích, công trình nghệ thuật kiến trúc trước khi tham quan thực tế.

Theo Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan đã được chuẩn hóa cũng như áp dụng công nghệ mới tiên tiến, kết hợp âm thanh, phim, ảnh, những hỗ trợ kỹ thuật số cho phép khách tham quan tự tìm hiểu, khám phá và có thể tương tác qua màn hình.

 

Hà Nội cũng tự tin với tỷ lệ dân số vàng, có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, các không gian sáng tạo và hàng nghìn DN hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đây chính là thế mạnh của TP trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số. Phương thức quản trị hệ thống, các sáng kiến trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm bảo tồn tự nhiên, phát huy di sản văn hóa dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ đang truyền năng lượng sáng tạo mạnh mẽ đến các công dân TP.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng

 

Việc giới thiệu về di sản đã được thực hiện dưới các hình thức như: công bố các tư liệu, hồ sơ lưu trữ; xuất bản các ấn phẩm, kết quả nghiên cứu về khu di sản; xây dựng trang web (https://www.hoangthanhthanglong.vn, https://thanhcoloa.vn) làm một công cụ giáo dục, kết nối giữa di sản với cộng đồng.

Sự vào cuộc đồng bộ

Trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng ngày nay, trước sự phát triển nhanh của công nghệ cùng với ý thức, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người dân ngày càng được nâng cao, việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm riêng của các nhà chuyên môn mà thu hút sự tham gia của cả cộng đồng.

Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (tại Khu du lịch Tuần Châu và tại huyện Quốc Oai) là điểm sáng của văn hóa Thủ đô với một sân khấu mới mẻ trên mặt nước, một hệ thống công nghệ hiện đại được ứng dụng, nhất là hệ thống ánh sáng laser. Trên nền đó, tôn vinh và quảng bá những nét văn hóa tinh túy của làng quê Bắc Bộ với sự tham gia diễn xuất của 250 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng.

Du khách trải nghiệm tour Văn Miếu về đêm với công nghệ mô phỏng phục dựng 3D. Ảnh: Lại Tấn
Du khách trải nghiệm tour Văn Miếu về đêm với công nghệ mô phỏng phục dựng 3D. Ảnh: Lại Tấn

Mặt khác, công tác số hóa di sản góp phần vào xây dựng, phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo cũng được các tổ chức, đoàn thể hưởng ứng, triển khai tích cực. Trong những sáng tạo, ứng dụng công nghệ của thanh niên trong việc góp phần gìn giữ phát huy giá trị của di tích, đồng thời phát triển quảng bá du lịch phải kể tới công trình của Đoàn Thanh niên quận Ba Đình được đưa vào hoạt động từ ngày 14/5/2022. Đó là công trình “Số hóa di tích lịch sử - Quảng bá du lịch quận Ba Đình”.

Để quảng bá du lịch Ba Đình tới Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế cũng như giáo dục thế hệ trẻ về di tích lịch sử, Đoàn Thanh niên quận xây dựng chương trình trải nghiệm công nghệ VR360 bằng việc quét mã QR code, tham quan du lịch đến các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn quận: Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Đền Quán Thánh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Các mã QR code được đặt tại Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục, phố đi bộ Hồ Gươm và tại 150 điểm khách sạn, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn quận. Từ đó, bất cứ ai cũng dễ dàng tương tác chân thực với di sản mọi lúc, mọi nơi.

 

Chương trình Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất hấp dẫn, thực sự đã đem đến một trải nghiệm mới cho du khách. Tuy nhiên, điều này còn mang ý nghĩa lớn hơn khi sản phẩm đến từ sự sáng tạo của Văn Miếu sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng Thành phố sáng tạo của Hà Nội khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới này từ năm 2019. Từ sáng tạo của Văn Miếu sẽ trở thành một ví dụ hay, câu chuyện truyền cảm hứng cho các di tích khác trên cả nước có sản phẩm về đêm phục vụ du khách.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn 

 

Với sự trợ giúp của kính đeo VR (thực tế ảo), tai nghe, người xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các di tích. Bởi công nghệ VR360 PLUS tái hiện tỉ mỉ từng góc cạnh, đặc điểm của di tích lịch sử qua việc xây dựng kiến trúc bóc tách từng lớp nhỏ bên trong và dựng thành khối 3D.

Có thể thấy, Hà Nội đã và đang thể hiện rõ quan điểm, chiến lược và định hướng phát triển. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là những đòn bẩy lớn và quan trọng giúp Hà Nội thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững Thủ đô, là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong những năm qua và năm tiếp theo, và hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, kết nối toàn cầu, đồng thời đóng góp tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
(Còn nữa)