Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan cùng UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ”.

Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa tra giải pháp cụ thể, quyết liệt và đồng bộ đóng góp cho việc đánh thức tiềm năng, thế mạnh dược liệu của vùng, làm cho tiềm năng được khai thác có hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và làm cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ trở nên ngày càng giàu đẹp hơn.   
Các sản phẩm dược liệu luôn được người dân, cộng đồng quan tâm, tìm mua.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng: “Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là Vùng có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định: Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là 02 vùng phát triển dược liệu trọng điểm.
Trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng cũng đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Nhiều tỉnh đã triển khai, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó mà đã tạo ra được nhiều sản phẩm dược liệu mới phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Nhiều loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của các tỉnh trong vùng còn yếu kém”.
Bàn giải pháp để đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu, PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Viện trưởng, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho rằng: Cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với công tác phát triển dược liệu ở địa phương để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống; cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại và phù hợp với cách mạng 4.0 trong phát triển dược liệu.
Bên cạnh đó, cần nhân rộng việc áp dụng hướng dẫn của tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP - WHO) trên tất cả vùng trồng dược liệu trong khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển dược liệu, tập trung vào công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với một số cây dược liệu có giá trị cao; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm từ dược liệu đặc trưng và có lợi thế cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ.