Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng PC-Covid: Hội tụ nhiều tiện ích, cần thời gian hoàn thiện

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ứng dụng dùng chung cho công tác phòng, chống Covid-19 được ra đời trong một thời gian ngắn nhưng có quy mô lớn cả về dữ liệu cũng như lượng người dùng thì những lỗi phát sinh là điều không thể tránh khỏi. Dự kiến trong khoảng một tuần kể từ khi được công bố, PC-Covid sẽ không còn những trục trặc.

PC-Covid sẽ là ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch. Ảnh: Thanh Hải
Ứng dụng hội tụ nhiểu công nghệ phòng, chống dịch
Bắt đầu từ ngày 30/9 vừa qua, người dùng đã có thể tải về và sử dụng PC-Covid - ứng dụng duy nhất phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là sản phẩm được ra đời chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi có yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất, phát triển một ứng dụng phòng chống dịch duy nhất. Được nâng cấp và thay thế từ các ứng dụng phòng, chống Covid-19 được Bộ TT&TT, Bộ Y tế chính thức công nhận như Bluezone, NCOVI, VHD, do đó khi cập nhật trên điện thoại, PC-Covid sẽ tự động thay thế các phần mềm trên. Dữ liệu mà người dùng đã nhập trong các ứng dụng cũ sẽ tự động được cập nhật sang PC-Covid mà không phải khai báo lại từ đầu.

Được biết, bên cạnh các tính năng đã có, PC-Covid còn là ứng dụng được hội tụ của một hệ sinh thái với bảy nền tảng nhằm phục vụ phòng, chống dịch cũng như khép kín quá trình tìm kiếm, chăm sóc y tế đối với người mắc Covid-19.
Cụ thể gồm: Nền tảng khai báo y tế; nền tảng xử lý phản ánh; nền tảng quản lý ra vào bằng mã QR; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến; nền tảng hỗ trợ truy vết; nền tảng quản lý cách ly và nền tảng quản lý tiêm chủng. Đáng chú ý, PC-Covid đã được kết nối, liên thông với 4 cơ sở dữ liệu quan trọng như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.
Đối với một ứng dụng phục vụ cho hàng chục triệu người dùng như PC-Covid, bảo mật dữ liệu được xác định là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia, ứng dụng này chỉ lưu dữ liệu lịch sử tiếp xúc trên máy của người dùng và không thu thập vị trí. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.

Bên cạnh đó, dữ liệu của người dùng phục vụ phân tích, truy vết các ca nhiễm, ca nghi nhiễm sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe và chống dịch bệnh, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư. Một trong những điểm nổi bật khác của PC-Covid là có thể phục vụ cả cho người dùng không sử dụng điện thoại thông minh.
Cụ thể, người dùng sẽ khai báo trực tiếp trên website hoặc nhờ người khác đăng ký hộ trên ứng dụng. Từ đó người dùng sẽ được cấp mã QR riêng để in ra và mang theo trong quá trình di chuyển. Ngay cả khi di chuyển mà smartphone của người dùng không có kết nối internet, PC-Covid cũng có cơ chế lưu dữ liệu đệm, tải mã QR về để có thể sử dụng khi không có kết nối mạng. Đây là một trong những tính năng rất đáng giá bởi việc bắt buộc phải kết nối internet liên tục đang là rào cản với không ít người dùng khi sử dụng những ứng dụng phòng, chống Covid-19.

Vẫn còn lỗi phát sinh

Có thể khẳng định việc cho ra đời một ứng dụng có quy mô lớn cả về tính năng, dữ liệu cũng như số lượng người dùng trong thời gian rất ngắn là nỗ lực đáng ghi nhận của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia. Nhưng trên thực tế, khi đưa vào sử dụng, PC-Covid đã gặp phải nhiều lỗi phát sinh.

Tính tới thời điểm 3/10, nhiều người dùng vẫn phản ánh về tình trạng: Mất nhiều thời gian để nhận mã OTP từ đó không thể kích hoạt được ứng dụng; hiển thị đồng bộ hoá dữ liệu nhưng không thực hiện thành công; chưa cập nhật đầy đủ về số lượng mũi tiêm chủng... Nói về những lỗi trên, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia cho rằng, với việc “thần tốc” đưa ra một ứng dụng được liên thông với nhiều ứng dụng và cơ sở dữ liệu lớn thì những trục trặc phát sinh là không thể tránh khỏi. Quá trình chuyển đổi dữ liệu của vài chục triệu người dùng từ nhiều hệ thống rất khó tránh khỏi sự thiếu đồng bộ ở thời điểm ban đầu.

Trong ngày đầu tiên PC-Covid được đưa ra cho người dùng sử dụng (30/9) đã có tới 1,7 triệu lượt tải cùng nhiều phản ánh về những vấn đề phát sinh. Ngay trong ngày hôm đó, đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia đã túc trực cả đêm nhằm nỗ lực nâng cấp hạ tầng nhằm giảm thiểu lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng PC-Covid của người dùng. Bên cạnh đó, những trục trặc của PC-Covid còn đến từ công đoạn kết nối dữ liệu với các hệ thống y tế địa phương. Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm trên cả nước không quản lý dữ liệu cá nhân của người dân bằng nền tảng công nghệ đã có mà thay vào đó là thao tác thủ công với việc nhập dữ liệu bằng giấy hoặc file Excel.
Từ đó, khi nhập các dữ liệu trên vào nền tảng công nghệ sẽ khó tránh được chậm trễ hoặc sai sót không đáng có. Một ví dụ là nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến, tính đến đầu tháng 9, mới có 18 tỉnh, thành triển khai ở các mức độ khác nhau, còn tới 28 địa phương mới chỉ có kế hoạch dùng. Như vậy, vẫn còn nhiều tỉnh, thành chưa sử dụng nền tảng công nghệ, đang quản lý công tác xét nghiệm theo cách thủ công.

Ngoài ra cũng phải kể tới bối cảnh các cơ sở y tế ưu tiên tiêm chủng và xét nghiệm nhanh với số lượng lớn người dân, do đó ngay trong quá trình người dân khai báo cũng khó tránh khỏi sai sót. Từ đó dẫn tới việc cập nhật dữ liệu lên các nền tảng công nghệ cũng có sai sót theo, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia cho biết. Được biết, trong tuần này, PC-Covid sẽ có thêm tính năng giám sát phản ánh, qua đó người dùng có thể đóng góp những lỗi phát sinh của ứng dụng đồng thời cũng như theo dõi bao nhiêu phản ánh được đưa ra và xử lý đến đâu. Đồng thời, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể cũng như tập huấn với các địa phương về việc triển khai ứng dụng PC-Covid và các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch.

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vẫn được giữ lại, vì ứng dụng này giống như một sổ y bạ điện tử của người dân. Chức năng của ứng dụng không chỉ là phòng dịch Covid-19 mà còn hỗ trợ tiêm phòng, theo dõi nhiều bệnh khác. Trong khi đó PC-Covid chỉ phục vụ phòng chống dịch. Ngoài ra, các ứng dụng phòng, chống dịch do địa phương triển khai vẫn tiếp tục hoạt động.

Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia
Trong quá trình sử dụng PC-Covid, nhiều người đã “vô tư” đưa mã QR của mình lên mạng, đây là điều hết sức nguy hiểm. Mã QR này chứa nhiều thông tin quan trọng của người dùng như tên - tuổi - ngày tháng năm sinh - số CMND/CCCD. Đây đều là những dữ liệu dễ bị kẻ xấu khai thác, sử dụng vào các mục đích như vay tiền tín dụng, lừa đảo tài sản …

Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Đinh Hoàng