Ủng hộ thay đổi trật tự môn thi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng qua (10/7), đợt 2 kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) 2013 đã kết thúc sau 90 phút thi Hóa học (khối B) và 180 phút thi Ngữ văn (khối C, D). Dù phải cẩn trọng hơn để tránh nhầm lẫn nhưng các trường vẫn ủng hộ phương thức thi "ba chung" cũng như cách thay đổi trật tự các môn thi.

Chắc kiến thức mới làm được Văn

Đề thi Ngữ văn khối C và D, được nhiều thí sinh (TS) nhận xét là hay, tuy nhiên phải chắc kiến thức và có kỹ năng lập luận mới làm được, bởi đề thi không rập khuôn kiến thức trong sách vở. Bất ngờ "rơi" chủ yếu ở phần câu hỏi nghị luận xã hội khi "cài" trong đó quan niệm, lối sống của người Việt Nam truyền thống. Ở đó TS thi khối C bày tỏ quan điểm dựa trên nhận định của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu, còn TS thi khối D giãi bày quan điểm từ ý kiến của Việt kiều Tran Hung John. Ở góc độ của các giáo viên, nhiều thầy cô khẳng định, ngoài kiến thức và kỹ năng phân tích, bình luận, TS cần phải có vốn hiểu biết xã hội và phải biết phân bố thời gian hợp lý mới làm trọn vẹn được đề thi môn Ngữ văn. Như nhận xét của cô Hoàng Minh Khánh, Trung tâm ôn thi trực tuyến Onthi.net.vn về đề thi Văn khối D: "Đề bám sát cấu trúc đề thi ĐH mà Bộ GD&ĐT đã định hướng. Phần nghị luận xã hội mang tính chất thời sự, là vấn đề mà giới trẻ đang rất trăn trở và đang tìm hướng đi cho mình. Phần nghị luận văn học với 2 tác phẩm hay, tiêu biểu và nội dung ra đề là vấn đề trọng tâm của tác phẩm để TS bàn luận, từ đó TS có thể rút ra cho mình những bài học mang giá trị nhân sinh sâu sắc".
 
 
Ủng hộ thay đổi trật tự môn thi - Ảnh 1
Tâm trạng của nhiều thí sinh khá tốt sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn.  Ảnh: Thủy Trúc

Ngược lại với đề thi Văn, đề thi Hóa học tập trung ở kiến thức cơ bản, nhẹ nhàng, chỉ hơi mất thời gian cho việc tính toán phần bài tập. Đa số TS thi khối B đều cho rằng, đề thi này dễ hơn đề Hóa khối A, TS dễ đạt điểm cao, bởi hơn một nửa trong số 50 câu hỏi trắc nghiệm là lý thuyết.

Vẫn ủng hộ thi “ba chung”

Đợt thi này với nhiều khối thi và nhiều môn thi tự luận, cho nên sự chuẩn bị của các trường rất chu đáo. Dù đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thay đổi trật tự các môn thi, song đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các trường và TS. Ông Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, bày tỏ: "Thay đổi trật tự các môn thi là rất tốt cho trường và sức khỏe của TS. Với việc thay đổi này, chúng tôi chỉ cần đổi hiệu lệnh trống khi kết thúc môn thi. 3 buổi thi cho thấy không xảy ra sự nhầm lẫn nào". Còn ông Bùi Huy Tùng - Trưởng phòng đào tạo Học viện Hành chính Quốc gia thì cho rằng, việc thay đổi trật tự các môn thi, cụ thể, môn tự nhiên thi cùng ngày, môn xã hội thi cùng ngày có cái hay, tuy rằng, các trường luôn phải chú ý và xem lại thật kỹ thời gian từng môn thi. Lãnh đạo nhiều trường khẳng định tại thời điểm hiện nay, việc Bộ GD&ĐT tổ chức thi "ba chung" vẫn phù hợp. "Tôi ủng hộ Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì tổ chức kỳ thi "ba chung". Kỳ thi này không làm ảnh hưởng đến các trường nói chung và các trường có tính đặc thù. Nếu Bộ giao cho các trường tổ chức thi riêng thì gặp rất nhiều trở ngại từ khâu ra đề thi, cách ly người ra đề, làm đề thi, rồi rủi ro khi ra đề…" - ông Hinh cho biết.

Kỷ luật phòng thi trong đợt 2 này được siết chặt hơn, nên số TS bị đình chỉ thi nhiều hơn đợt 1 tới 32 trường hợp. Báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT trưa 10/7 cho thấy, cả nước có 199 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật (nhiều hơn đợt 1 là 65 trường hợp), trong đó có tới 143 trường hợp bị đình chỉ thi. Lỗi chủ yếu vẫn là mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi. Ba buổi thi, có 3 cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó 1 trường hợp bị đình chỉ.