Để từng bước giải quyết vấn đề này, Ứng Hòa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. 75 tấn rác thải/ngày đêm Lâu nay, xã Quảng Phú Cầu vẫn được xem là điểm đen về rác thải của huyện Ứng Hòa, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ làng nghề tái chế phế liệu và tăm hương của địa phương. Điều đáng quan tâm là mức độ ô nhiễm môi trường của Quảng Phú Cầu đang ở mức báo động, bởi trung bình mỗi ngày, các xưởng sản xuất tăm hương ở đây thải ra hàng trăm tấn mùn vầu, nứa. Nếu như trước đây, những chất thải này được các chủ sản xuất bán lại với mục đích đốt lò, làm vật liệu đun bếp thì nay nhu cầu tái sử dụng đã không còn. Chính vì lẽ đó mà người dân đành phải đổ hết lượng mùn vầu, nứa xuống ao hồ. Việc làm này tiếp diễn nhiều năm nay đã gây tắc nghẽn dòng chảy nghiêm trọng. Thậm chí khi lượng mùn tồn quá nhiều, một số người dân còn đóng vào bao tải mang ra đồng đốt, khói cùng mùi khét bay vào khu dân cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Không chỉ riêng Quảng Phú Cầu, nhiều làng nghề khác trên địa bàn huyện Ứng Hòa cũng đang phải đối mặt với nguy cơ môi trường bị ô nhiễm. Theo số liệu thống kê của Phòng TNMT huyện Ứng Hòa, hiện nay, lượng rác thải hàng ngày của huyện ở mức 75 tấn/ngày, đêm. Tuy nhiên, do đặc thù về địa hình và cơ sở hạ tầng nên việc thu gom, vận chuyển rác thải của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên vẫn còn nhiều trường hợp xả rác bừa bãi, đổ rác không đúng điểm tập kết theo quy định. Mặt khác, các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tại chỗ còn tồn tại nhiều hạn chế như tốn diện tích đất, tốn chi phí vận hành, khói đốt rác gây ô nhiễm không khí, thời gian sử dụng ngắn, không tương xứng với chi phí đầu tư. Xã hội hóa xử lý rác thải Ông Lê Hồng Hà – Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động, huyện đã thực hiện giải pháp xã hội hóa xử lý rác thải. Theo đó, huyện đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) xây dựng và triển khai dự án “Xây dựng lò đốt rác thải làng nghề” với công suất 5 tấn/ngày. Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày, huyện cũng giao cho Công ty Sông Hồng xây dựng, triển khai dự án “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt và tái chế tạo sản phẩm phụ” với công suất 200 tấn/ngày tại xã Đông Lỗ. Theo thiết kế, nhà máy sẽ tiếp nhận, xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện với hiệu quả xử lý cao, thu hồi tái sử dụng được nguồn nguyên liệu. Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đang duy trì việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng hình thức các tổ tự quản của từng địa phương thu gom rác đến các điểm tập kết; Công ty Sông Hồng thu gom rác từ các điểm tập kết và trên các tuyến đường chính về bãi xử lý chôn lấp rác hợp vệ sinh tại thị trấn Vân Đình. Tại đây, Công ty vận hành công nghệ ôzôn hóa tự động để xử lý nước rỉ từ rác. Chất lượng nước thải sau xử lý được xác định bằng kết quả phân tích mẫu nước của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường. Cùng với việc thực hiện các giải pháp xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, huyện Ứng Hòa đã và đang đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường” nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân. Nhiều hoạt động trong Tháng hành động vì môi trường đã diễn ra rộng khắp trên địa bàn. Đặc biệt, huyện khuyến khích các cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn huyện sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, huyện kêu gọi các cơ quan, trường học, khu dân cư và đông đảo người dân tích cực trồng cây xanh, sử dụng tiết kiệm nước, hạn chế phát sinh rác thải trong sinh hoạt hàng ngày...
Đoàn thanh niên huyện Ứng Hòa tham gia khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh mương nội đồng |