Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao. |
Mô hình trồng dưa lưới của hộ anh Nguyễn Phúc Bách, ở xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) đang phát huy hiệu quả kinh tế nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mô hình trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt cùng nhà màng, nhà lưới, điều khiển được nhiệt độ, ánh sáng bằng điện thoại thông minh. Tuy mức vốn đầu tư ban đầu lên đến 1 tỷ đồng/ha nhưng bù lại, mô hình không chịu rủi ro do ảnh hưởng thời tiết, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn và cho doanh thu ổn định.Với hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, áp dụng phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều trang trại ở huyện Ứng Hòa đã cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như trang trại nuôi 2.400 con lợn nái, 17.000 con lợn thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái); trang trại nuôi 40.000 con gà của hộ ông Nguyễn Duy Toản (xã Viên An)… Ngoài ra, phải kể đến 15 mô hình nuôi thủy sản "sông trong ao" tại các xã Trầm Lộng, Liên Bạt đã kiểm soát được môi trường nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm thủy sản hàng hóa đồng đều.Trong 5 năm (2015 – 2020), Ứng Hòa đã chuyển đổi được 1.017ha diện tích lúa vùng trũng kém hiệu quả sang các trang trại chuyên canh thủy sản kết hợp, các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư. Mới đây, UBND huyện Ứng Hòa đã phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa công nghệ cao, bền vững, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 4,26%/năm; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất nông nghiệp. Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 345 triệu đồng/ha/năm trở lên và có ít nhất 330 trang trại; năm 2030 có 500 trang trại ứng dụng công nghệ cao.Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, để đạt mục tiêu đề án, Ứng Hòa tập trung tạo điều kiện cho nhà khoa học, các thành phần kinh tế nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ người dân và các thành phần kinh tế tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, huyện tiếp tục phát huy vai trò lực lượng khuyến nông; tăng cường công tác thú y, bảo vệ thực vật; phối hợp lồng ghép để phát triển các chương trình đào tạo nghề, xây dựng nông thôn mới.