Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng Hòa tìm đầu ra cho nông sản

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù huyện Ứng Hòa có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao nhưng lại không hấp dẫn về bao bì, nhãn mác. Nhược điểm này là một trong những rào cản khiến nông sản của huyện chưa vào được kênh liên kết tiêu thụ ổn định.

Hộ ông Đinh Xuân Thủy, ở xã Hồng Quang chia sẻ, hiện nay, việc chăn nuôi vịt cỏ Vân Đình của các nhóm hộ trên địa bàn huyện đang ngày càng mở rộng, chất lượng và khối lượng sản phẩm có thể phục vụ thị trường tới vài chục ngàn con nhưng khâu tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.
Còn ông Đặng Văn Quý - thành viên Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ thủy sản Minh Quân, xã Đội Bình mong muốn được ngành nông nghiệp và các DN kết nối giao thương để sản phẩm cá rô đầu vuông của hợp tác xã vào được kênh phân phối lớn; đồng thời tư vấn quy cách đóng gói, mẫu bao bì sản phẩm để thương hiệu thủy sản của hợp tác xã được nâng tầm.
Nhiều doanh nghiệp phân phối đánh giá cao chất lượng các mặt hàng nông sản của huyện Ứng Hòa.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, thời gian qua, huyện đã chủ động chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng sản xuất tập trung. Bên canh đó, huyện quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa có giá trị, chất lượng cao, sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản.
Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao với giống lúa J02, quy mô trên 3.400ha mỗi vụ; phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại các xã ven Đáy, mô hình trồng rau, dưa trong nhà lưới, nhà kính cho hiệu quả kinh tế cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi tập trung, thuỷ sản kết hợp chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay có tới hơn 90% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện chưa có kênh liên kết tiêu thụ ổn định.

Đưa ra giải pháp giúp Ứng Hòa tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, Ứng Hòa cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với sản phẩm thế mạnh của huyện. Đồng thời, huyện cần khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các nhà sơ chế, chế biến, xử lý đóng gói, bảo quản tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trên địa bàn.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hợp tác xã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và kết nối tiêu thụ. Các hợp tác xã, cơ sở sản xuất cần quan tâm hơn nữa đến bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, như vậy mới thu hút được DN kết nối đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại.