Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng phó bão số 13: Đã sơ tán hơn 320.000 người dân đến nơi an toàn, chủ động cắt điện 283 xã

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (15/11), vị trí tâm bão số 13 ngay trên đất liền Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão số 13, từ 19h ngày 14/11 đến 6h ngày 15/11, tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị đã ghi nhận mưa to đến rất to, phổ biến từ 50 - 70mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Hải An (Quảng Trị) 148mm, Lộc Tiến (Thừa Thiên Huế) 131mm, Hồ chứa nước Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 119mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 118mm…
Cơ quan khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định, trong hai ngày 15 - 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to, với lượng mưa từ 100 - 150mm/đợt, có nơi trên 200mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An có mưa to với lượng mưa từ 40 - 80mm.
Hàng chục vạn người dân đã được đưa đến nơi tránh trú an toàn trước bão số 13. Ảnh: Báo Nhân dân.
Trước diễn biến của bão số 13, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng nhắn 12.146.886 lượt tin nhắn cho các thuê bao trong vùng dự kiến ảnh hưởng bão số 13 từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi để chủ động phòng tránh. Bộ Công thương đã chỉ đạo chủ động cắt điện đối với 283 xã thuộc 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Đồng thời, dự trữ nhu yếu phẩm, bình ổn giá hàng tiêu dùng.
Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã ban hành công điện, văn bản triển khai ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị đã ban hành lệnh cấm người dân ra đường từ 18h ngày 14/11/2020 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiêm cứu nạn tỉnh.
Đề phòng mưa lũ sau bão số 13 và khi bão đổ bộ, tính đến sáng nay (15/11), các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời tổng cộng 93.795 hộvới 324.780 người đến nơi an toàn. Cụ thể, Hà Tĩnh: 3.616 hộ/12.486 người; Quảng Bình: 14.259 hộ/ 47.372 người; Quảng Trị: 13.470 hộ/ 39.725 người; Thừa Thiên Huế: 22.348 hộ/73.940 người; Đà Nẵng: 16.135 hộ/ 78.544 người; Quảng Nam: 23.687 hộ/71.840 người; Quảng Ngãi: 280 hộ/873 người.
Để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du trước diễn biến mư do bão số 13, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các đơn vị quản lỹ, vận hành điều tiết hàng chục hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi. Hiện, một số hồ chứa lớn đang xả như sau: Cửa Đạt (Thanh Hóa) 109,47m/110m, xả 142,75 m3/s; Kẻ Gỗ: 30,73m/32,5m, xả 10m3/s; Tả Trạch (T.T.Huế) 42,67m/45m, xả 596 m3/s.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ hiện cũng có 9 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Hủa Na: 78/143; Chi Khê: 358/521; Quảng Trị: 45/22; Đakrông 1: 69/107; A Lưới: 54/102; Bình Điền: 842/567; Hương Điền: 618/408; Thượng Lộ: 380/439; A Roàng: 26/31.Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ đang có lần lượt 23 và 24 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
Trước diễn biến bão số 13 còn phức tạp, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, Văn phòn Thường trực đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11 và số 1601/CĐ-TTg ngày 14/11. Nhiệm vụ trọng tâm trong những giờ tới là theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực trọng điểm đê điều; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du. Điều tiết giao thông đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong thời gian bão đổ bộ và mưa, lũ sau bão.