Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng phó dịch tả lợn châu Phi: Nhiều địa phương vẫn chủ quan

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay, đã có 20 quốc gia báo cáo xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Gần 1,1 triệu con lợn đã bị tiêu hủy trên toàn thế giới. Cùng với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp ứng phó.

Chăn nuôi lợn thịt tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Việt Trần
Nguy cơ xâm nhiễm cao

Trong số 20 quốc gia báo cáo có dịch tả lợn châu Phi, đáng chú ý là Trung Quốc hiện có tới 105 ổ dịch tại 25 tỉnh. Đây cũng là quốc gia có số lợn bị tiêu hủy lớn nhất thế giới với gần 950.000 con. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao. Nguyên nhân lớn nhất có thể đến từ quốc gia láng giềng Trung Quốc, khi tại khu vực biên giới giữa hai nước, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt người dân qua lại. Cùng với đó là lượng khách du lịch đến từ các quốc gia đã phát hiện bệnh dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hiện vẫn diễn biến phức tạp. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ với mật độ cao và tình trạng sử dụng thức ăn thừa vẫn diễn ra phổ biến, khiến nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi tăng cao.

Xây dựng kịch bản ứng phó

Trước nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc… nhằm chỉ đạo sát sao việc chủ động ứng phó. Riêng Bộ NN&PTNT đã thành lập 20 đoàn công tác đến 26 tỉnh, TP trọng điểm về chăn nuôi lợn, các tỉnh giáp biên giới để kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó. Cùng với việc thành lập 8 đội phản ứng nhanh, Bộ NN&PTNT đã đưa vào vận hành 8 phòng thí nghiệm để thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhằm phát hiện sớm nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Đáng chú ý, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kịch bản thông tin và ứng phó cụ thể đối với tình huống xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi ở phạm vi hẹp và rộng. Theo đó, mẫu bệnh phẩm sẽ được đưa đi phân tích. Nếu phát hiện dương tính với bệnh dịch, đàn lợn sẽ ngay lập tức được tiêu hủy. Ổ dịch sau đó sẽ được khoanh vùng, tiêu độc khử trùng nhằm tránh lây lan mầm bệnh…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các tỉnh, TP không được phép chủ quan. Trong thời gian tới, cần giám sát chặt việc lưu thông, buôn bán, qua lại tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện. Kiểm soát chặt chẽ điểm kinh doanh, giết mổ, trung chuyển lợn. Đặc biệt, cần xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ tại vùng có bệnh dịch…

Từ thực tế đi kiểm tra bệnh dịch trên đàn lợn thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Chính quyền nhiều địa phương chưa vào cuộc, bởi nhiều người dân vẫn chưa nắm bắt được các cơ chế, chính sách của Nhà nước. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, các địa phương cần thông tin các biện pháp xử lý và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh và phải tiêu hủy, để người chăn nuôi phối hợp cùng chính quyền kiểm soát tốt bệnh dịch.

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Chính quyền tổ chức tiêu hủy đàn lợn và hỗ trợ cho các hộ 175 USD/con. Thiết lập vùng dịch với bán kính 3km và vùng đệm xung quanh vùng dịch là 10km. Cấm sử dụng thức ăn thừa cho lợn. Dừng vận chuyển, đóng cửa các chợ bán lợn sống ở các tỉnh có dịch và khu vực liền kề với tỉnh có dịch…
Muốn phòng, chống tốt dịch tả lợn châu Phi thì xã hội phải cùng vào cuộc. Trong triển khai cũng không thể làm nhỏ lẻ, mà phải thực hiện “thú y cộng đồng”; tiến tới xã hội hóa phòng, chống dịch bệnh ở động vật trên cạn nói chung.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương