Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng phó linh hoạt với thay đổi trong tuyển sinh đầu cấp

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên quan đến việc có thể dừng tuyển sinh lớp 6 trường Ams, Sở GD&ĐT Hà Nội đang đề xuất cơ chế đặc thù để duy trì cấp THCS. Các chuyên gia cho rằng, phía phụ huynh và học sinh cũng nên tự có giải pháp để ứng phó với những thay đổi trong chính sách tuyển sinh.

Chủ động ứng phó

“Có thể từ năm học tới, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Trường Ams) không tuyển sinh cấp THCS” là thông tin đang gây xôn xao trong phụ huynh, học sinh Hà Nội. Thực chất, đây là nội dung đã được quy định rõ tại Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên do Bộ GD&ĐT ban hành và có hiệu lực từ 15/4/2023.

Từ năm học 2024 – 2025 sẽ không thực hiện tuyển sinh lớp không chuyên trong trường chuyên
Từ năm học 2024 – 2025 sẽ không thực hiện tuyển sinh lớp không chuyên trong trường chuyên

Theo Thông tư 05, việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường THPT chuyên theo quy định cũ được thực hiện đến hết năm học 2023-2024; đồng nghĩa với việc, từ mùa tuyển sinh năm học 2024 – 2025 sẽ không thực hiện tuyển sinh lớp không chuyên trong trường chuyên.

Đa số học sinh, phụ huynh đều cho biết, họ đã nắm được thông tin này và hiểu rằng, sẽ không tuyển sinh lớp chất lượng cao hay hệ cận chuyên (hệ không chuyên) trong các trường THPT chuyên như những năm trước đó. Việc bỏ lớp thường trong trường chuyên sẽ dẫn đến mức độ cạnh tranh vào trường THPT chuyên ngày càng khó và cánh cửa để trở thành học sinh trường chuyên sẽ thu hẹp lại.

Tuy nhiên, điều này lại đúng tinh thần của trường chuyên, đó là trường “dành cho học sinh đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập, nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Trong khi với các trường THPT chuyên trực thuộc đại học, học sinh chủ động nắm thông tin thì ngược lại, với các trường THPT chuyên thuộc địa phương, học sinh và phụ huynh đều có tâm lý chờ đợi hoặc “xem TP quyết định thế nào mới tính hướng thi”.

“Phụ huynh và học sinh cần bình tĩnh chờ phương án cuối cùng của UBND TP Hà Nội và luôn có tâm thế phải thích nghi với sự biến đổi. Ngoài trường Ams, Hà Nội hiện còn nhiều trường THCS chất lượng cao khác nên nếu đã ôn tập dài hơi theo lộ trình thi trường Ams thì học sinh vẫn nên tiếp tục ôn thi để củng cố kiến thức nền tảng vững chắc. Kiến thức này sẽ được sử dụng trong kỳ thi lớp 6 trường chất lượng cao hoặc những năm tháng học cấp THCS”, chị Nguyễn Mỹ An, trú tại quận Tây Hồ cho biết.

Về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Hải nêu quan điểm: “Cái quan trọng nhất là học sinh phải có kiến thức để ứng biến trong mọi trường hợp. Nếu có kiến thức rồi thì dù các trường mà học sinh mong muốn vào có “xoay” kiểu gì thì các em vẫn luôn ổn. Đã đến lúc, học sinh hãy xem sự thay đổi trong công tác tuyển sinh là điều bình thường và phải chấp nhận nó…”.

Đề xuất chính đáng

Bên cạnh trách nhiệm của phụ huynh trong việc tìm hiểu thông tin, chủ động chuẩn bị phương án, tinh thần để sẵn sàng ứng phó với các thay đổi chủ quan và khách quan thì còn cần sự chủ động, trách nhiệm trong công tác tham mưu, lập kế hoạch, thông tin tuyên truyền… của các cơ quan chức năng.

Phụ huynh, học sinh lo lắng với những thay đổi trong tuyển sinh
Phụ huynh, học sinh cần chủ động ứng phó với những thay đổi trong tuyển sinh

Lấy ví dụ thực tế với công tác tuyển sinh lớp 6 Trường Ams. Để thi đỗ vào trường, ngoài tố chất, kiến thức đươc dạy ở bậc tiểu học, học sinh cần một lộ trình ôn tập bài bản, dài hơi. Có hàng nghìn học sinh Hà Nội đặt mục tiêu thi lớp 6 Trường Ams trong năm nay đã và đang ôn tập theo lộ trình suốt thời gian qua. Do vậy, dù Sở GD&ĐT đang xin áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Hà Nội trong tuyển sinh trường chuyên, trong đó có lớp 6 trường Ams thì phụ huynh, học sinh không tránh khỏi tâm lý lo lắng, chán nản, thậm chí là hụt hẫng.

“Nếu thông tin có trước đó vài tháng thì hai mẹ con tôi đã cùng nhau chuẩn bị tinh thần. Đằng này, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ thi, học sinh có định hướng thi lớp 6 Trường Ams đang ở giai đoạn nước rút thì đùng một cái đứng trước nguy cơ có thể không thi nữa. Người trực tiếp chịu ảnh hưởng ở đây chính là các học sinh mới đang ở độ tuổi 11”, phụ huynh Nguyễn Thị Nga, trú tại Hà Đông chia sẻ.

Được biết, cuối tháng 1/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT báo cáo về việc tuyển sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025, trong đó có nội dung đánh giá quá trình đào tạo hệ THCS của trường này. Tại đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép tiếp tục mô hình thí điểm thực hiện hệ THCS theo hướng đào tạo trình độ cao, đào tạo nguồn học sinh chuyên.

Ngoài việc mong Hà Nội tiếp tục duy trì tuyển sinh lớp 6 trường Ams năm học 2024 – 2025, phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng chủ động tham mưu, ban hành văn bản hoặc có kế hoạch tuyển sinh sớm, thông báo rộng rãi giúp phụ huynh và học sinh nắm được chủ trương chung để có tâm lý thoải mái, không bất ngờ, bị động trong mọi tình huống.

Qua sự việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, học sinh, phụ huynh Hà Nội đặt câu hỏi: “Công tác tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây năm học 2024 – 2025 sẽ triển khai như thế nào?”.

Hiện hai trường này tuyển sinh và đào tạo cả hệ chuyên và không chuyên. Theo Thông tư 05, nếu hai trường chuyển đổi mô hình thành trường chuyên thì sẽ không tuyển sinh hệ thường; ngược lại nếu chuyển sang trường thường thì sẽ không tuyển sinh hệ chuyên.

“Chúng tôi tha thiết mong Sở GD&ĐT sớm thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, đặc biệt là tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh trường chuyên để các con có phương án ôn tập phù hợp, hiệu quả; tránh tình trạng đoán già đoán non hoặc tự đồn thổi phương án gây xáo trộn trong dư luận”, phụ huynh Mai Thanh Hùng, quận Nam Từ Liêm bày tỏ.