Ứng phó phòng vệ thương mại: Chủ động để không thiệt thòi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu luật để theo dõi, ứng phó các vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM); hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu chưa hoàn thiện là những bất cập mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khẩn trương khắc phục.

Cá tra Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu luôn có nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá. Ảnh minh họa
Cá tra Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu luôn có nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá. Ảnh minh họa

Hệ quả tất yếu khi tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện; trong đó có 128 vụ chống bán phá giá, 47 vụ tự vệ, 33 vụ chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 23 chống trợ cấp. Riêng trong 6 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, giảm 1 vụ việc so với cùng kỳ của năm 2022.

 

Việc vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM đã giúp các hiệp hội nắm bắt được khả năng bị điều tra PVTM bởi nước ngoài, từ đó chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lý nhằm tránh giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa bị đối diện trước các vụ kiện PVTM.

Đặc biệt, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này.

Đáng chú ý, các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam như: Mỹ, Ấn Độ, Autralia... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến tỷ USD.

Trong đó, thép, nhôm, sợi, gỗ là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Mỹ. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Mỹ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

“Việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra PVTM nước ngoài hơn là hệ quả tất yếu khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động” – ông Trịnh Anh Tuấn phân tích.

Doanh nghiệp phải chủ động và ưu tiên nguồn lực

Đánh giá về tình hình khu vực và thế giới 6 tháng cuối năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng.

Nhôm Việt Nam trong nhóm hàng xuất khẩu mà Autralia đưa vào tầm ngắm. Ảnh minh họa
Nhôm Việt Nam trong nhóm hàng xuất khẩu mà Autralia đưa vào tầm ngắm. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc Viêt Nam tiếp tục thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.

Nói về những bất cập hiện nay của nhiều DN, Giám đốc Trung tâm Hội nhập WTO – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang thông tin: DN đang thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp để theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt. Trong khi đó hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, do tham gia điều tra đòi hỏi các DN phải phân bổ nguồn lực tài chính, con người trong thời gian khá lâu; cộng với đó là trở ngại ngôn ngữ khi các thông tin liên quan đến vụ việc đều sử dụng tiếng bản địa, những yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, cung cấp nhiều thông tin, số liệu, tài liệu phục vụ điều tra trong thời hạn ngắn từ cơ quan điều tra nước ngoài.

Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động PVTM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ đã chỉ đạo Cục PVTM nghiêm túc đánh giá các tác động, thiệt hại từ các vụ việc PVTM đối với từng ngành hàng. Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị có liên quan và các bộ, ngành khác (Hải quan, Tài chính) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Về phía DN, cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp. Cùng với đó, tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra.

 

Các vụ việc điều tra PVTM ban đầu thường kéo dài ít nhất là 1 năm và biện pháp sau đó (nếu được áp dụng) sẽ được rà soát hành chính hàng năm, giữa kỳ hoặc cuối kỳ. Vì vậy, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp cùng các DN và hiệp hội ngành hàng liên quan chủ động theo dõi các vụ việc, hỗ trợ các DN xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Giám đốc Trung tâm Hội nhập WTO (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang