Ứng phó với biến động tỷ giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các DN xuất khẩu (XK) tỏ ra khá lo lắng thì khối DN nhập khẩu (NK) lại ủng...

Kinhtedothi - Trong khi các DN xuất khẩu (XK) tỏ ra khá lo lắng thì khối DN nhập khẩu (NK) lại ủng hộ quyết định giữ ổn định tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo các chuyên gia kinh tế, dựa trên tổng thể các cân đối vĩ mô hiện nay và mục tiêu kiềm chế lạm phát, việc NHNN chưa tăng tỷ giá là phù hợp.

“Neo” tỷ giá, doanh nghiệp xuất khẩu kêu khó
Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng

Bộ KH&ĐT:
Bám sát tình hình để có quyết định sáng suốt 
USD tăng giá đã tác động đến thị trường nhưng biên độ tỷ giá vẫn nằm trong khung cho phép và chưa gây bất lợi nhiều, XK vẫn tăng. Trong khi đó, đồng Euro và Yên Nhật giảm giá là cơ hội để nhập máy móc và giảm nợ vay bằng các đồng tiền này. Trước mắt chưa cần điều chỉnh tỷ giá.

Năm nay, chúng ta phải quan tâm nhiều đến tiền tệ, phải bám sát tình hình thế giới để có quyết định sáng suốt. Nếu giữ nguyên tỷ giá thì làm cho hàng hóa XK mất tính cạnh tranh, thị trường nông sản đang khó còn khó hơn. Vì thế, chúng ta nên xem độ mở bao nhiêu thì vừa.

Bà Nguyễn Thị Hồng - 

Phó Thống đốc NHNN:

Điều chỉnh tỷ giá cần cân nhắc thận trọng
Diễn biến tỷ giá có xu hướng tăng trên thị trường hiện nay chủ yếu là do yếu tố tâm lý, còn các yếu tố về kinh tế cơ bản không có biến động lớn và không đáng quan ngại.

Việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động trên nhiều mặt đến nền kinh tế như mức độ cải thiện XK so với tác động tăng chi phí NK; sức ép gia tăng lạm phát; ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và DN.

Trên cơ sở đánh giá tổng thể các vấn đề nêu trên, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến trên thị trường ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá theo mục tiêu đề ra từ đầu năm để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2015, mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% của NHNN sẽ không thay đổi. Trước quyết định này của NHNN, hàng loạt DN, hiệp hội ngành hàng như chè, gỗ, rau quả, XK thủy sản… đồng loạt kêu khó vì tiền đồng bị "neo" cao so với USD.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, quý I, XK gỗ và lâm sản giảm trên 6% trong khi trước đó tăng trưởng rất tốt (năm 2014 đạt 20%).

Nguyên nhân của sự sụt giảm này không chỉ do nhu cầu tiêu thụ gỗ đi xuống mà còn do đồng Euro mất giá mạnh nên giá bán sản phẩm gỗ của các nước sử dụng đồng tiền này có tính cạnh tranh hơn. “Tỷ giá trong nước hiện đang quá thấp. Điều này khiến sản phẩm của DN XK Việt Nam mất tính cạnh tranh so với các khu vực khác” - ông Quyền nói và kiến nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ tỷ giá cho DN.

Tỷ giá tại Việt Nam ổn định trong khi các đối thủ XK trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan thời gian qua đã thả nổi tỷ giá nên giá nhiều sản phẩm của DN Việt Nam trở nên đắt hơn so với các nước này cũng là thực tế được các DN XK thủy sản nêu ra.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, XK thủy sản quý I đang giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây (giảm 23%). Việc sút giảm diễn ra ở cả 3 thị trường chủ lực là Mỹ (giảm 44%), EU (11%) và Nhật Bản (15%).

Theo phân tích của VASEP, ngoài thuế chống bán phá giá (khiến XK sang Mỹ giảm) thì tỷ giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Các DN XK chủ yếu thanh toán bằng USD trong khi đồng Yên và Euro đều giảm giá so với USD nên các đơn hàng XK sang EU, Nhật Bản giảm mạnh. Cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là không khả thi vì sẽ ảnh hưởng tới nợ công, đại diện VASEP kiến nghị Chính phủ có giải pháp giảm lãi suất ngắn hạn với lĩnh vực XK nông sản (hiện ở mức 7 - 8%/năm) để hỗ trợ DN.

Trước các đề xuất này, ông Võ Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, về cơ bản, điều chỉnh tỷ giá phụ thuộc vào 3 yếu tố: Cán cân vãng lai, cán cân vốn và định hướng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. “Với XK, việc neo tiền đồng theo USD trong khi USD lên giá sẽ khiến hàng XK của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá XK đắt hơn so với các đồng tiền khác. Nhưng với NK, điều chỉnh tỷ giá sẽ gây bất lợi, chưa kể nợ công cũng sẽ tăng lên. Đây là lý do NHNN phải điều hành chính sách tỷ giá dựa trên quan điểm vĩ mô, hài hòa lợi ích của tất cả các ngành chứ không chỉ dựa vào XK” - ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp nhập khẩu chủ động

 
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình An, tỉnh Cần Thơ.            Ảnh: Huy Hùng
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình An, tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng
Dù NHNN khẳng định chưa tăng tỷ giá, tuy nhiên, USD vẫn đang chịu áp lực khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang giảm giá đồng nội tệ của mình để hỗ trợ XK. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngỏ khả năng thay đổi chính sách với lãi suất đồng USD cũng khiến tỷ giá VND/USD tại Việt Nam chịu tác động.

Trong nước, từ giữa tháng 3, giá USD liên tục tăng cao. Ngày 2/4, giá USD tiếp tục tăng và đang tiến sát trần. Vietcombank tăng 25 đồng, đưa giá mua và bán chạm 21.555 - 21.615 đồng/USD. Còn Eximbank, Techcombank đã nâng giá bán lên sát 21.620 đồng/USD, mua vào cũng tăng vài chục đồng, dao động 21.560 đồng/USD.

Đầu năm là thời gian DN ký hợp đồng NK nguyên liệu cho cả năm, nhiều DN đã chốt đồng USD trong các hợp đồng thanh toán. Vì thế, giá USD tăng cũng khiến khối DN NK thêm vất vả khi chi phí mua nguyên, vật liệu tăng cao.

Dự đoán được xu hướng tăng giá chung của đồng USD trong năm 2015, các DN này đã chủ động tìm cách ứng phó. Ông Nguyễn Hữu Lộc - Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội cho biết, hơn 80% nguyên liệu đầu vào, Công ty chủ yếu NK từ 2 thị trường chính là Australia và châu Âu. “Trong khi đô la Australia tăng giá thì Euro lại đang giảm mạnh. Vì thế, chúng tôi vẫn cân đối được chi phí NK” - ông Lộc nói.

Khai thác các thị trường NK mới như Nga, châu Âu, Nhật Bản... để tận dụng cơ hội khi Euro, Rup Nga, Yên Nhật đang giảm mạnh cũng đang là giải pháp được nhiều DN NK áp dụng. Bên cạnh đó, thay vì chỉ NK nguyên liệu đầu vào, khối DN này cũng tính đến giải pháp mở rộng ngành nghề kinh doanh hoặc tìm hướng XK để tăng nguồn thu USD.

Ông Nguyễn Đức Khả - Chủ tịch HĐQT Công ty Nagakawa cho biết, DN đang tính đến việc đầu tư vào ngành dệt may để tận dụng các cơ hội khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ tăng thêm nguồn thu USD, khiến DN cân đối được chi phí xuất - nhập. Còn tại Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội, việc XK bia ra các thị trường ngoài Việt Nam cũng giúp DN tăng thêm nguồn thu USD.

 
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội:
Cần quan tâm đến sức cạnh tranh của hàng Việt
Từ cuối năm 2014 đến nay, đồng USD đã 2 lần tăng tỷ giá, tác động đến một số ngành, lĩnh vực, một số đối tượng trên thị trường, rõ nhất là đối với XK, NK. Tuy nhiên, DN XK sẽ có lợi khi đồng USD tăng giá bởi tiền lương công nhân, chi phí hoạt động sản xuất được chi trả bằng VND, trong khi hàng hóa XK được đối tác NK chi trả bằng đồng USD tạo cơ hội cho DN có thêm nguồn thu. Thế nhưng, đồng USD tăng giá mạnh làm hàng XK Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các hàng hóa khác cùng thị trường XK.

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội (Hafasco):
Thị trường châu Âu đang gặp nhiều khó khăn
Mặc dù đồng USD tăng giá sẽ tạo điều kiện cho các DN XK hàng hóa, tuy nhiên, với những DN có thị trường XK chủ yếu là châu Âu như Hafasco lại đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi việc thanh toán vẫn được thực hiện bằng đồng USD, nhưng trong vòng một năm qua, tỷ giá đồng Euro lại giảm tới hơn 20%, ảnh hưởng không nhỏ tới DN. Đặc biệt với những DN hoạt động trong ngành dệt may, việc đồng USD tăng giá khiến DN phải tăng thêm chi phí NK nguyên liệu, khiến giá thành sản phẩm tăng, dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, mỗi tháng DN phải NK lượng nguyên liệu trị giá khoảng 10 triệu USD, việc tỷ giá USD/VND tăng như hiện nay khiến DN đứng trước nguy cơ tăng chi phí thêm gần 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Lộc - Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội:
Chính sách tỷ giá hiện nay là phù hợp
Với các DN XK, tất nhiên việc neo tỷ giá quá lâu sẽ khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng cao, sức cạnh tranh với các thị trường khác sẽ giảm. Tuy nhiên, NHNN phải dựa trên các cân đối vĩ mô, làm thế nào để vừa có lợi cho XK, vừa có lợi cho NK. Việc duy trì tỷ giá như thời gian này, theo tôi là phù hợp. Tôi tin, với dự trữ ngoại hối hiện tại, NHNN đủ sức để can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính – ngân hàng:
Tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến lạm phát
Nền kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu là NK nên khi chi phí của DN NK tăng lên kéo theo việc tăng giá các hàng hóa NK. Điều này sẽ tác động đến lạm phát. Bởi vậy, việc NHNN chưa điều chỉnh tỷ giá là phù hợp trong bối cảnh cung - cầu ngoại tệ vẫn cân bằng hiện nay.