Tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc ngày 12/7 đã giảm xuống dưới ngưỡng 6,67 NDT/USD, giảm 0,73% so với mức chốt của tuần trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Trong vòng một tháng qua, đồng NDT đã rớt giá hơn 4%, còn nếu tính từ tháng 4 đến thời điểm này đồng NDT đã mất giá 5,4%.
Tỷ giá trong nước sẽ chịu áp lực từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Ví dụ ngày 1/6, tỷ giá phổ biến trên thị trường là 3.624 VND/NDT. Đến ngày 12/7 giảm còn 3.491 VND/NDT. “Không chỉ vậy, nhiều dự báo cho thấy thời gian tới NDT sẽ còn được điều chỉnh giảm sâu hơn nữa” - TS Bùi Quang Tín nhận định. Chính phủ Trung Quốc giảm dự trữ ngoại tệ, đối phó với Mỹ, giảm giá NDT bù trừ cho thiệt hại đã đang xảy ra và họ đã phá giá. “Tôi cho rằng Trung Quốc còn nhiều room để phá giá đồng NDT" - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo Gao Qi, chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank (Singapore), ở thời điểm hiện tại có vẻ như tỷ giá tham chiếu sẽ là công cụ hàng đầu được Trung Quốc sử dụng để can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Nguy cơ thâm hụt do NDTHiện đang có 2 xu hướng nhận định về sự xuống giá của NDT. Xu hướng thứ nhất có những nghi ngờ cho rằng Trung Quốc cố tình làm yếu NDT nhằm hỗ trợ xuất khẩu để phần nào hạn chế thiệt hại do xung đột thương mại Trung - Mỹ. Ở kịch bản thứ hai, NDT mất giá do thị trường điều chỉnh. Theo quan điểm này, NDT yếu đi do phải mua vào USD để tăng dự trữ. Tuy nhiên lý do này có vẻ không thuyết phục, bằng chứng là dự trữ của Trung Quốc lại giảm.
Cho dù 2 quan điểm chưa ngã ngũ nhưng các chuyên gia đều đánh giá, khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó vì bị áp thuế cao, đồng NDT mất giá mạnh, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu hàng hóa với giá cả cạnh tranh hơn so với các nước khác. Với Việt Nam, cán cân thương mại của Việt Nam dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường.
"Đồng NDT giảm giá dẫn đến gia tăng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc nhưng ngược lại, các công ty nhập khẩu, nhất là nguyên liệu lại có lợi. Bởi hầu hết DN xuất nhập khẩu ở Việt Nam đều dựa vào các nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu." - TS Phan Minh Ngọc
"Trong bối cảnh hiện nay, mức điều chỉnh 2 - 3% là chấp nhận được, phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo vẫn giữ năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu. Quan trọng hơn là sự thay đổi đó không gây sốc để DN có thể tự tính toán trước, giảm bớt rủi ro về tỷ giá." - TS Nguyễn Trí Hiếu |
Nếu tính mức giảm 5,4% so với USD từ đầu năm của đồng NDT, trong khi VND mất giá tổng cộng 1,4% so với USD, có nghĩa hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt Nam thêm 4% nhờ chênh tỷ giá. “Chẳng hạn một đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trước đây có giá 100 triệu đồng, giờ DN chỉ phải bỏ ra 96 triệu. Đây có thể là lý do khiến thời gian tới dòng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam tiếp tục tăng lên, còn hàng Việt gặp khó ngay trên sân nhà. Cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ” - TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Về xuất khẩu, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cùng nhóm hàng với Trung Quốc như dệt may, da giày sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các mặt hàng như thanh long, xoài, chôm chôm, cá, tôm… Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn.
TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tỷ giá là quan trọng giúp điều kiện thương mại của Việt Nam được cải thiện, kích thích xuất khẩu, góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc này khiến các DN trong nước vay bằng đồng USD sẽ gặp khó khăn do chênh lệch tỷ giá. Do đó, Chính phủ cần theo dõi sát sao diễn biến xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và động thái của ngân hàng trung ương các nước.
Đại diện HSBC Việt Nam chia sẻ, chính sách tỷ giá nên được điều chỉnh linh hoạt hơn khi môi trường quốc tế có biến động, VND cần được định giá sát với thị trường. Phát triển các công cụ tài chính phái sinh tỷ giá cũng là một giải pháp quan trọng giúp DN phòng ngừa rủi ro về tỷ giá.