Nhiều chiêu trò bủa vây khách hàng
Anh Trần Văn Tùng (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cho biết, gần đây anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Người gọi tự xưng là nhân viên nhà mạng, giới thiệu sẽ giúp anh chuyển sim từ 4G lên 5G, rồi yêu cầu cung cấp số chứng minh nhân dân và ngày, tháng, năm, sinh. Sau đó, đối tượng yêu cầu anh nhắn tin theo cú pháp mà họ gửi đến...
“Thông tin cá nhân tôi đã cung cấp cho nhà mạng khi đăng ký mua sim, nếu là nhân viên nhà mạng thì sao họ không nắm được? Tôi liền hỏi ngược lại, yêu cầu người gọi đến cung cấp tên để tôi liên hệ tổng đài nhằm xác minh, thì đầu bên kia tắt máy. Rõ ràng họ có tật giật mình” - anh Trần Văn Tùng kể.
Nhờ cảnh giác mà anh Tùng đã không dính bẫy các đối tượng lừa đảo, thực chất đây là “chiêu” chiếm đoạt sim. Nếu nhắn tin theo cú pháp đối tượng lừa đảo cung cấp, chủ thuê bao sẽ mất quyền kiểm soát sim. Khi đối tượng lừa đảo trở thành "chính chủ" họ dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân.
Chiêu thức lừa đảo này đã xuất hiện từ vài năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn do khách hàng có nhu cầu nâng cấp sim 4G, 5G. Các nhà mạng viễn thông và ngân hàng cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo giúp khách hàng nâng cao cảnh giác. Tuy nhiên vẫn có trường hợp khách hàng bị "sập bẫy" kẻ gian.
Anh Trần Quốc Đạt (phường Bạch Mai, quận Hai Bà trưng) cho biết, vừa qua, anh có nhận một tin nhắn SMS mạo danh Vietcombank với nội dung: “Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải bạn đang tiêu dùng vui lòng nhấp vào link để hủy thanh toán”. Do anh Đạt liên kết tài khoản này với một số ví điện tử và ứng dụng thanh toán online khác nên khá lo lắng khi nhận được tin nhắn như trên. May mắn là trước đó, Vietcombank vừa thông báo biến động số dư trong tài khoản, nên khi thấy có đến 2 đầu số dịch vụ khác nhau cùng một ngân hàng khiến anh cảnh giác không truy cập vào website đó và xóa ngay tin nhắn.
Cũng có trường hợp kẻ gian cố tình gửi tiền nhầm, sau đó điện thoại cho người nhận và viện lý do đang ở nước ngoài, rồi yêu cầu chủ tài khoản đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link do họ gửi để chuyển trả. Nếu người nhận không tìm hiểu kỹ mà làm theo các thao tác mà họ chỉ dẫn thì tài khoản cá nhân có thể bị rút sạch.
Đại diện Techcombank cho hay, cuối tháng 3/2022, đơn vị phát đi thông tin về việc có hành vi giả mạo ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng. Các đối tượng giả mạo Techcombank sẽ gọi điện chào mời sử dụng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chuyển đổi trả góp với lãi suất thấp. Đồng thời yêu cầu khách hàng cung cấp hình ảnh 2 mặt thẻ hoặc số thẻ, và OTP.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Những kẻ lừa đảo đã giăng ra nhiều cái bẫy mới, như sử dụng các ứng dụng giả mạo, số điện thoại trợ giúp, đánh cắp thông tin cá nhân từ sim điện thoại, sử dụng tài khoản mạng xã hội giả (facebook, twitter, zalo...) của ngân hàng, người thân để lừa đảo khách hàng... Một loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, Vietinbank, Techcombank, VPbank... đã phải gửi thông báo cảnh báo lừa đảo đến khách hàng nhằm hạn chế tối đa rủi ro xảy ra.
Không buông lỏng cảnh giác
TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, gian lận trong hoạt động thanh toán diễn ra ngày càng táo bạo, tinh vi, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của ngân hàng.
Số người sở hữu tài khoản ngân hàng, sẵn sàng tham gia dịch vụ trực tuyến đang tăng trưởng ấn tượng, nhưng cùng với đó số người bị lừa đảo chiếm đoạt tiền cũng nhiều hơn. Theo đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, từ đầu năm đến nay Bộ Công an tiếp nhận trên 2.000 vụ lừa đảo qua không gian mạng. Trong đó các vụ án mạo danh ngành ngân hàng chiếm khoảng 30%. Đáng chú ý là hình thức gọi điện, mạo danh website ngân hàng, gửi đường link chứa mã độc để đánh cắp mã OTP và chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, hiện nay, các phần mềm ứng dụng mới cho điện thoại di động ngày càng phổ biến và tiện lợi, giúp cho việc mua bán và thanh toán qua hệ thống trực tuyến trở nên phổ biến. Do đó, thông tin của khách hàng trong quá trình thanh toán qua hệ thống ngân hàng trực tuyến cần phải được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, tin tặc luôn tìm mọi cách để tấn công vào những lỗ hổng và chỉ cần một cuộc tấn công nhỏ có thể chịu những tổn thất rất lớn. Do đó, khách hàng phải lưu ý một số cảnh báo của các ngân hàng.
Hiện tại, hầu hết ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như, tin nhắn SMS, email, zalo, viber, facebook messenger... Do đó, người dùng tuyệt đối không bấm vào các đường link giả mạo. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số, như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP hay bất cứ thông tin cá nhân nào khác.
Khách hàng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking… và đặt mật khẩu các dịch vụ ngân hàng điện tử khó đoán, tính bảo mật cao (tránh đặt ngày sinh, tên người thân, số điện thoại…); không lưu tự động thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên bất cứ máy tính và trình duyệt web nào; không đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt giao dịch mua bán hàng trực tuyến.
Trước khi tải xuống bất kỳ ứng dụng di động nào từ Google Play, người dùng phải kiểm tra xem ai, tổ chức nào là người tạo ứng dụng. Một cách an toàn và dễ dàng khác để tải xuống ứng dụng ngân hàng gốc, là truy cập trang web chính thức của ngân hàng và nhận liên kết tải xuống từ đó.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến cáo người dùng dịch vụ ngân hàng nâng cao ý thức bảo mật, không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng... lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng. Bất kỳ nghi vấn về hành vi lừa đảo liên quan, nạn nhân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất, và liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của ngân hàng mình sử dụng.
Ngoài ra, với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động thông minh ngày càng được người dân ưa chuộng, các ngân hàng cũng cảnh báo khách hàng nâng cao bảo mật thiết bị bằng những phần mềm diệt virus có thể tự động cập nhật trước phần mềm độc hại; cài đặt thêm các tiện ích bổ sung cho trình duyệt web để nhận được cảnh báo sớm.