Ứng phó với thiên tai để xây dựng cuộc sống an toàn hơn

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương được kỳ vọng mạng lại những tác động tích cực, bền vững cho cộng đồng, nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai, xây dựng cuộc sống an toàn hơn.

Thiên tai làm hơn 13.000 người chết, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD

Ngày 27/7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV)/Tổ chức Action Aid tổ chức Hội thảo tham vấn cấp vùng Hướng dẫn lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết: Trong những năm qua, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai được ban hành. Ảnh: Trần Oanh.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết: Trong những năm qua, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai được ban hành. Ảnh: Trần Oanh.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong vòng hai thập kỷ qua (1995 – 2016), thiên tai đã làm hơn 13.000 người chết và gây thiệt hại về tài sản khoảng hơn 6,4 tỷ đô la Mỹ. Thiên tai, biến đổi khí hậu tác động tới tất cả các lĩnh vực và gây ra nhiều rủi ro lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến thành quả của phát triển.

Các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay được coi là một phần quan trọng của các chính sách phát triển. Tuy nhiên, hiện nay quản lý rủi ro thiên tai còn nặng về đối phó, khắc phục hơn là phòng ngừa và thích ứng. Hơn nữa, việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai dựa trên kết quả đánh giá rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu theo yêu cầu của Tổng cục Phòng, chống thiên tai chưa được các xã/phường thực hiện. Đến nay, vẫn còn  nhiều địa phương, nhiều ngành/lĩnh vực chưa thực hiện được đánh giá rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng do thiếu nhân lực và tài liệu hướng dẫn chưa cụ thể.

Bà Mai Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Phát triển Chương trình đại diện của AFV/Action Aid trình bày dự án "Xây dựng nặng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2.
Bà Mai Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Phát triển Chương trình đại diện của AFV/Action Aid trình bày dự án "Xây dựng nặng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2.

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn cấp vùng Hướng dẫn lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết: Trong những năm qua, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai được ban hành nhằm định hướng và hỗ trợ các địa phương đạt được phát triển kinh tế xã hội bền vững dựa trên tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai

Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai” giai đoạn 2 (7/2019 – 6/2022) do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV)/Tổ chức Action Aid và Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp triển khai. Dự án đã và đang triển khai hoạt động đánh giá rủi ro thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó của cộng đồng để đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp và hỗ trợ địa phương lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Hồng Hà đến từ Trung tâm Cộng đồng phát triển sinh thái trình bày tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ảnh: Trần Oanh.
Bà Hoàng Thị Hồng Hà đến từ Trung tâm Cộng đồng phát triển sinh thái trình bày tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ảnh: Trần Oanh.

Với mục tiêu hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hiệu quả có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai và Tổ chức Action Aid đã huy động nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng động vào lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai và Tổ chức Action Aid, quy trình quản lý rủi ro thiên tai – dựa vào cộng đồng được lồng ghép và nhất quán vào lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội sẽ tăng cường hiệu quả thực tiễn của công tác lập kế hoạch phòng chống thiên tai và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có lồng ghép các mục tiêu và nội dung phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Việc lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng là rất cần thiết và sẽ góp phần tăng cường hiệu quả của công tác lập kế hoạch phòng, chống thiên tai, cũng như đổi mới việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp. Việc lập kế hoạch phát triển có lồng ghép, cân nhắc các rủi ro dài hạn cũng giúp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với sự an toàn của cộng đồng, tính bền vững của môi trường và tài nguyên trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Không chỉ vậy, việc lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng còn nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với từng cấp được lồng ghéo vào các kế hoạch phát triển. Cùng với đó là tăng cường hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự chồng chéo, lãng phí trọng các hoạt động đầu tư, phát triển. Đặc biệt là tăng cường hiệu quả và tính bền vững của các phương tiện tiếp cận giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và thông qua hỗ trợ lẫn nhau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần