Ứng viên hàng đầu cho chức Thủ tướng Anh thề cứng rắn với Trung Quốc

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã hứa sẽ cứng rắn với Trung Quốc nếu ông trở thành Thủ tướng tiếp theo của quốc gia, gọi siêu cường châu Á là "mối đe dọa số một" đối với an ninh trong nước và toàn cầu.

Ứng viên hàng đầu cho chức Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: Reuters
Ứng viên hàng đầu cho chức Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của ông Sunak được đưa ra sau khi đối thủ của ông trong cuộc đua cuối cùng giành quyền lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền - Ngoại trưởng Anh Liz Truss - cáo buộc ông tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc và Nga.

Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc trước đó đã mô tả ông Sunak là "ứng cử viên duy nhất" trong cuộc tranh cử "có quan điểm rõ ràng và thực dụng về việc phát triển quan hệ giữa Anh và Trung Quốc".

Daily Mail - tờ báo thường đưa ra lời ủng hộ Ngoại trưởng Truss trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh - gọi đó là "sự công nhận mà không ai mong đợi".

Các đề xuất trong lời hứa của ông Sunak bao gồm việc đóng cửa tất cả 30 Học viện Khổng Tử ở Anh, ngăn chặn sự lan truyền "sức mạnh mềm" của Trung Quốc thông qua các chương trình văn hóa và ngôn ngữ.

Ông cũng hứa sẽ buộc các cơ sở giáo dục đại học minh bạch về nguồn tài trợ nước ngoài hơn 50.000 bảng Anh (60.000 USD) mỗi năm và xem xét các quan hệ đối tác nghiên cứu.

Cơ quan gián điệp nội địa MI5 của Anh sẽ được sử dụng để giúp chống lại hoạt động gián điệp của Trung Quốc, và một chính phủ London của Sunak sẽ tìm cách xây dựng hợp tác quốc tế "kiểu NATO" để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc trong không gian mạng.

Ông cũng sẽ xem xét trường hợp cấm Trung Quốc mua lại các tài sản quan trọng của Anh, bao gồm cả các công ty công nghệ nhạy cảm về mặt chiến lược.

Ông Sunak tuyên bố Trung Quốc đang "đánh cắp công nghệ của chúng tôi và xâm nhập vào các trường đại học của chúng tôi", đồng thời ủng hộ chính phủ Tổng thống Vladimir Putin bằng cách mua dầu của Nga... Ông cáo buộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh nhằm "gài các nước đang phát triển vào những khoản nợ không thể trả".

"Quá đủ rồi. Các chính trị gia ở Anh và trên khắp phương Tây lâu nay đã trải thảm đỏ và làm ngơ trước hoạt động bất chính và tham vọng của Trung Quốc. Tôi sẽ thay đổi điều này vào ngay ngày đầu tiên khi là Thủ tướng" - ông Sunak tuyên bố.

Phát biểu của cựu Bộ trưởng Sunak được cho chắc chắn sẽ làm hài lòng những nhân vật "diều hâu" đối với Trung Quốc trong hàng ngũ đảng Bảo thủ, những người đã nhiều lần thúc đẩy Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson cứng rắn hơn trước Bắc Kinh.

Nhưng đây được cho cũng là một dấu hiệu cho thấy ông Sunak đang tuyệt vọng cố gắng lấy lại lợi thế trước ứng viên đối thủ Lizz Truss, người hiện đang dẫn trước đáng kể trong cuộc thăm dò dư luận đối với tình hình phiếu bầu từ 200.000 thành viên cơ sở của đảng Bảo thủ.

Người chiến thắng cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền dự kiến sẽ được công bố vào ngày 5/9.

Tương tự, bà Truss đã thúc giục một cách tiếp cận cứng rắn hơn, kêu gọi G7 trở thành một "NATO kinh tế" trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và cảnh báo Bắc Kinh về các biện pháp trừng phạt nếu họ không tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần