Ước mơ khởi tạo nền công nghiệp hỗ trợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2006, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G (N&G Corp) đã mạnh dạn nghiên cứu, khảo sát ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và quyết định đầu tư xây dựng Khu CNHT Nam Hà Nội (Hanssip).

Đến nay, Hanssip đã đủ điều kiện đón các DN, nhất là DN hỗ trợ vào đầu tư sản xuất. Hanssip là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành CNHT Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Việt Nam. Và nếu thu hút tốt các nhà đầu tư, Hanssips có thể mơ tới vị thế khởi tạo nền CNHT Việt Nam có thể phục vụ các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới.
Ước mơ khởi tạo nền công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1
KCN chuyên biệt cho CNHT

Hanssip nằm trên địa bàn huyện Phú Xuyên với quy mô 640ha, định hướng mở rộng lên đến 2.000ha. KCN có vị trí chiến lược, gần sân bay, cảng biển, đường sắt và nằm trên các trục đường cao tốc nối các vị trí quan trọng của Thủ đô, đất nước và khu vực. Đúng như tên gọi của mình, Hanssip tập trung thu hút đầu tư vào các nhóm ngành CNHT thuộc các lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy, điện tử - tin học, sản xuất - lắp ráp ô tô...

Các nhà đầu tư hoạt động trong KCN này nhận được hỗ trợ và ưu đãi đặc biệt như: thu xếp nguồn tài chính, tuyển dụng và đào tạo lao động, hợp tác trao đổi công nghệ, định hướng và liên kết sản phẩm đầu ra. Hanssip còn được quy hoạch kết hợp gắn liền khu đô thị dịch vụ phức hợp đảm bảo nơi ăn ở cho chuyên gia, công nhân và gia đình để cùng gắn kết dài lâu. Ngoài ra, Hanssip còn dành quỹ đất cho các nhà máy thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, Hanssip thu hút khoảng 200 nhà đầu tư lớn nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực CNHT và một số ngành công nghiệp lắp ráp, tạo thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh ngay trong nội bộ KCN; thu hút khoảng 30.000 việc làm mới. Hanssip sẽ là tổ hợp phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ, logistic, trung tâm thương mại, ngân hàng, y tế, trường học... Đó là tiền đề để xây dựng đô thị vệ tinh Phú Xuyên - Phú Minh theo quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2030.

Nỗ lực xúc tiến đầu tư

Tại Hội nghị "Xúc tiến đầu tư thành phố Hà Nội năm 2015", Hanssip được lựa chọn là 1 trong số 11 dự án được Thành phố kêu gọi đầu tư. Đây cũng là vinh dự của Hanssip vì theo ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội thì mục tiêu xúc tiến đầu tư năm nay là thu hút có trọng tâm, tránh dàn trải, tập trung vào các đối tác chiến lược, để nhằm thu hút các dòng vốn FDI “sạch”.
Ước mơ khởi tạo nền công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 2
Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào Thành phố và Chính phủ, nhiều năm qua Hanssip cũng luôn nỗ lực kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào Hà Nội và ngành CNHT. Những chuyến công tác dày đặc trong và ngoài nước của lãnh đạo Hanssip đã giúp Hanssip nói riêng và ngành CNHT ở Hà Nội dần có vị thế. Riêng trong năm nay, Hanssip cũng tích cực kêu gọi xúc tiến đầu tư qua việc tiếp xúc với Thứ trưởng Bộ Thương mại và Đại sứ Hoa Kỳ, Đại sứ quán Nhật Bản; làm việc với lãnh đạo và các DN của Bộ Công Thương, Ngân hàng TMCP Công Thương; tham dự Hội chợ EXPO 2015, “Hội thảo xúc tiến đầu tư - Chuyển giao công nghệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam”…

Đặc biệt, Hanssip còn tích cực tham gia mời gọi các đoàn DN nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Vừa qua, sau nhiều lần tích cực xúc tiến, Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Kawasaki - KCCI (Nhật Bản) đã quyết định đưa các DN Kawasaki sang thực địa tại Hanssip. Và hai bên thống nhất tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực để cùng hợp tác, kết nối giao thương với không chỉ DN thuộc KCCI mà còn cả vùng Kawasaki… Đặc biệt, với cầu nối là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, Hanssip cũng đã đón đoàn DN tỉnh Gifu (Nhật Bản) với 10 DN thuộc các ngành chế tạo linh kiện, phụ kiện ô tô, cơ khí chế tạo, sản xuất thép… Và 2 ngân hàng có mối quan tâm đến môi trường đầu tư và lĩnh vực CNHT ở Việt Nam. 

Và ước mơ khởi tạo nền CNHT Việt

Từ trăn trở với nghề CNHT, đam mê nghiên cứu CNHT, nhiệt tình đầu tư hạ tầng để phát triển CNHT, ông Nguyễn Hoàng - “cha đẻ” của Hanssip còn nuôi ước mơ khởi tạo một nền CNHT Việt đủ mạnh để phục vụ cho công nghiệp nước nhà, khu vực và thế giới. Năm 2013, tổ chức hiệp hội DN chuyên ngành CNHT đầu tiên ở Việt Nam được thành lập là Hiệp hội các DN ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA). 
Ước mơ khởi tạo nền công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 3
Với tư cách là Chủ tịch HANSIBA, ông Nguyễn Hoàng đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền CNHT của Thủ đô nói riêng và Việt nam nói chung. Đó là, phải sớm ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt cho ngành CNHT. Nếu áp dụng chính sách đại trà cho cả DN FDI và DN Việt Nam thì các DN hỗ trợ trong nước vốn đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn trong hội nhập và phát triển vào chuỗi sản xuất CNHT toàn cầu. Thực chất, các DN hỗ trợ Việt Nam vốn ít, chưa có đầu ra, công nghệ máy móc cao chưa tiếp cận được…

Do vậy, cần có chính sách “lôi kéo” DN FDI đầu tư, liên kết với các DN hỗ trợ trong nước cùng sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT phục vụ công nghệ cao. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để phát triển CNHT; tổ chức kết nối các “nhóm DN” theo từng ngành nghề CNHT của Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc để thu hút đầu tư, kinh doanh liên kết cùng các DN Việt Nam sản xuất tại một số KCN chuyên sâu về CNHT tại Việt Nam.

Chính phủ cũng cần quy hoạch chi tiết từng vùng kinh tế CNHT, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí và cạnh tranh đối kháng nội bộ trong nước. Nhà nước cần chủ động hỗ trợ, thành lập mới các DN khởi tạo trong lĩnh vực CNHT bằng cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, thuế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động và chuyển giao công nghệ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần