Bởi, tình hình kinh tế của nhiều địa phương, nhiều gia đình những năm gần đây đã khá giả hơn; cùng với đó, quỹ đất để xây dựng bể bơi ở vùng ngoại thành, vùng nông thôn là không thiếu.
Những vụ đuối nước vừa qua gợi mở nhiều điều ước muốn đối với các phụ huynh, và cả thầy cô giáo. Nghe, biết những đứa trẻ ra đi oan uổng vì đuối nước mà cảm thấy đau lòng. Các biện pháp của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các tỉnh, thành, trường học… nhiều năm qua đã được ráo riết thực hiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào các hành vi dại dột ra sông hồ để tắm, giải trí dẫn đến tai nạn đáng tiếc của các cháu được kiểm soát hết.
Trong khi vẫn dùng các biện pháp phòng ngừa cho các cháu, chúng ta nên nghĩ đến việc cho các cháu học bơi (điều này nhiều năm qua đã làm như chưa đủ). Muốn cho các cháu học bơi thì phải có các hồ bơi. Nếu như tại các trung tâm TP hồ bơi khá nhiều thì vùng ven và nông thôn rất thiếu.
Các cháu học bơi, biết bơi không chỉ làm giảm nguy cơ đuối nước (điều quan trọng là vẫn phải căn dặn các cháu không tắm ở vùng ao hồ, sông suối lạ vì dù biết bơi vẫn có thể bị đuối nước) mà còn giúp rèn luyện thể chất. Các nhà khoa học cho biết, bơi là môn vận động toàn diện nhất, tốt nhất cho mọi lứa tuổi, giúp tăng cường sức khỏe, giảm các nguy cơ bệnh tật.
Bơi còn là hoạt động lành mạnh, giúp các cháu thư giãn không sa đà vào nghiện game và các trò chơi vô bổ khác. Hồ bơi cũng có thể là tụ điểm văn hóa cho các thành viên trong gia đình chứ không riêng gì ở lứa tuổi học trò.
Một phụ huynh ở vùng Phúc Thọ, Hà Nội, phàn nàn: Rất muốn cho hai đứa con đi học bơi nhưng chưa tìm được bể bơi gần nhà. Hỏi thăm người quen thì có một vài hồ bơi nhưng xa chỗ ở khoảng 5 cây số, chất lượng cũng không mấy đảm bảo. Do vậy, gia đình đành gác lại việc cho trẻ đi học bơi, nhưng cũng không biết khi nào huyện nhà, xã nhà có thêm hồ bơi…
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo huyện Phúc Thọ nói với chúng tôi: “Bể bơi cho huyện, cho xã là ước muốn của toàn người dân. Hiện huyện đang thuê bể bơi tư nhân cho các học sinh tập bơi; cũng đang tính làm bể bơi thông minh hè này…”. Vị này cũng cho biết thêm, khó khăn vẫn là vấn đề kinh phí.
Như đã nói, nếu làm hồ bơi cho từng xã, phường (và thêm cho từng trường), nhà nước sẽ hỗ trợ về quỹ đất; tiền xây dựng, tiền thuê nhân viên quản lý… sẽ được xã hội hóa. Chúng tôi nhớ, gần đây một thôn ở Hà Tĩnh kêu gọi bà con đóng góp làm cổng làng. Mỗi làng nên có cổng đẹp do đó cần được xây mới, hoành tráng hơn, kinh phí xây khoảng 400 triệu đồng. Thôn này ngày xưa trong tình hình chung của đất nước là khó khăn nhưng nay khá giả hơn, người dân trong thôn đã đóng vượt số tiền đó, người vài triệu, có người dăm bảy triệu…
Hồ bơi cho xã, phường hay cho trường học cũng có thể ngoài việc trích ngân sách nhà nước có thể vận động các nhà tài trợ, bà con trong xã. Việc thuê người quản lý, dạy bơi có thể từ nguồn thu bán vé vào bơi giá rẻ (ở TP khoảng 50.000 - 80.000 lượt, hồ bơi xã chỉ 5.000 - 10.000 lượt). Cũng có thể cấp đất cho tư nhân muốn kinh doanh bể bơi, với điều kiện giá vé vào bơi rẻ, được khống chế.
Ước muốn này nếu trở thành hiện thực, bộ mặt nông thôn đang ngày càng đẹp hơn. Lúc đó, với những hồ bơi gần nhà, các cháu có nơi để tập bơi, sinh hoạt hè, thư giãn…