Duyên trời định Lần đầu gặp Nhà giáo Nhân dân Lê Ngọc Canh, ít ai nghĩ ông đã ở tuổi “bát thập”. Bước đi vẫn nhanh nhẹn, trí tuệ minh mẫn, đặc biệt đôi mắt sáng, thể hiện niềm say mê khi nói về duyên trời định đưa ông đến với nghệ thuật múa vô cùng gian khổ.
68 năm trước, cậu bé Lê Ngọc Canh tham gia đội quyết tử bảo vệ Thủ đô. Ở đây, ông và các bạn cùng đội được bộ đội dạy múa hát để đi tuyên truyền, cổ vũ người dân tinh thần chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Thế rồi, múa trở thành niềm đam mê, mang đến cho ông nhiều niềm vui và cả những cực nhọc trong cuộc đời. Múa đã mang đến cho ông cơ hội đi nghiên cứu sinh ở Bungari, rồi quay trở lại Đoàn văn công Tổng cục Chính
trị làm biên đạo múa, sáng tác tác phẩm múa, tập luyện cho diễn viên... Rồi cũng vì mê nghiên cứu nghệ thuật múa, tiến sĩ Lê Ngọc Canh khi ấy đã xin chuyển về Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Nhắc đến thời gian này, vị GS già bồi hồi: “Khi đi thiếu sinh quân, kể cả lúc đi bộ đội, tôi may mắn được tiếp xúc với đồng bào nhiều vùng dân tộc. Chín năm kháng chiến trường kỳ cũng là thời gian tôi sống chủ yếu với đồng bào ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn. Tôi thích xem người dân tộc múa hát những bài hát mang đậm bản sắc của họ. Cộng với môi trường công tác thiên về nghệ thuật dân tộc dân gian, ngẫu hứng múa tự nhiên thấm vào tôi từ bao giờ không biết. Điều này dễ hiểu vì sao tôi thiên về nghiên cứu múa dân gian dân tộc có kết hợp với hiện đại”. Mong được làm việc đến lúc… trời bảo nghỉ Trước khi đến với múa, ông Canh mong muốn được làm việc trong quân đội, bởi đây là nơi đã chắp cánh niềm đam mê văn hóa, nghệ thuật, chính trị. Ông đã đi học trường Sĩ quan lục quân, nhưng rồi thủ trưởng cũ đề nghị ông chuyển về bộ phận văn công vì biết ông có năng khiếu múa. Song để có chuyên môn sâu về múa dân tộc, GS Canh dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, tích lũy văn hóa và thực tiễn. “Múa dân tộc có hồn dân tộc, có tư duy thẩm mỹ dân tộc, kết cấu nghệ thuật dân tộc. Múa dân tộc là sự tế nhị, duyên dáng, thể hiện tình cảm của con người trong đời sống. Điệu múa của từng dân tộc lại mang nét đẹp độc đáo và đặc trưng riêng, đồng thời có mối quan hệ với âm nhạc dân gian dân tộc, kết hợp với những bộ trang phục vùng miền tạo thành tác phẩm vô cùng hấp dẫn. Nếu như những người khác có tác phẩm để đời là múa Nón, múa Chàm, Cơ Tu, Roong Chiêng, Sạp… thì tôi có múa Chăm. Tôi thật sự vinh dự khi đứa con tinh thần của mình được nhà thơ Tố Hữu - Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chọn để biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng III” - vị GS già hồ hởi khoe. Những người làm khoa học thường không nghỉ hưu, GS Lê Ngọc Canh cũng vậy. Hơn 2 chục năm nay, ông làm việc liên tục, hết giảng dạy tại các cơ sở đại học, lại viết sách, hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, nghiên cứu khoa học. Ông có thể ngồi cả tuần để viết sách lý luận về múa, múa là sự hào hứng, là niềm đam mê của ông. Hiện đã ở tuổi “bát thập” nhưng ông vẫn đang tham gia công trình Bách khoa thư Hà Nội cấp TP, phụ trách một chương chuyên về nghệ thuật múa. Cùng với đó là 2 công trình nghiên cứu khác đang đăng ký chờ xét duyệt. “Tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục làm việc, bởi tôi vẫn còn sức khỏe, trí tuệ. Khi nào ông trời bảo thôi không làm nữa, thì muốn cũng chẳng được nữa rồi”. GS Canh chia sẻ tâm tư, ngành múa rất hiếm trí thức có trình độ cao để làm nghiên cứu do nhiều thập kỷ qua Nhà nước không cử người đi đào tạo ở nước ngoài. Người cuối cùng được đào tạo tiến sĩ về ngành múa ở nước ngoài là từ năm 1983, trong khi đó, ở Việt Nam lại chưa thể đào tạo bậc cao nghệ thuật múa. Bản thân ông đã tốt nghiệp tiến sĩ cách đây hơn 40 năm. Ông nói rằng, ông sẽ cố gắng hết sức trong điều kiện cho phép. Ông luôn mong ước thế hệ trẻ sẽ là những người xoay chuyển tình thế để nâng tầm loại hình nghệ thuật múa sánh ngang với âm nhạc. Ông khuyên các bạn trẻ hãy tự vận động vươn lên, tự đào tạo bản thân trước, từ đó sẽ nhận được những hỗ trợ về chính sách, cơ chế đào tạo để học cao hơn… Khi chia tay, vị GS già còn khẳng định một câu thay cho lời chào tạm biệt: “Nếu được chọn lại nghề, tôi vẫn sẽ theo nghệ thuật múa!”.
GS Lê Ngọc Canh. |
Nhà giáo Nhân dân Lê Ngọc Canh được phong tặng chức danh GS trong đợt phong tặng chức danh GS, PGS năm 2014 vừa qua. Ông là người lớn tuổi nhất từ trước tới nay được phong chức danh GS, cũng là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng: Lịch sử múa Việt Nam, Nghệ thuật múa thế giới, Đại cương nghệ thuật múa và nhiều công trình cấp Bộ, cấp Nhà nước. |