Một người mẹ đã phàn nàn: "Con hư quá, đánh đập cũng chẳng ăn thua. Thật là bất trị". Nhưng họ lại quên mất rằng, vì mải làm ăn nên đã phó mặc con cho nhà trường, quên đi trách nhiệm uốn nắn, sửa chữa, chia sẻ, động viên con hàng ngày. Câu chuyện này chỉ là một trong rất nhiều trường hợp của hiện tượng thiếu niên đang ở tuổi ăn học, tích lũy tri thức, nhưng lại bị cha mẹ "bỏ quên", nên "đói" về cảm xúc, tình cảm, không được chia sẻ, không tìm được niềm vui trong gia đình. Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn các giá trị của các em, trước hết là nhân cách của bố mẹ, anh chị em, cách giáo dục và chăm sóc của bố mẹ... Do vậy, việc xây dựng một lối sống, sự quan tâm đúng mực của gia đình và sự gương mẫu của bố mẹ là điều kiện cần thiết để hình thành định hướng giá trị nhân cách đúng đắn cho các em. Nhưng thật tiếc, điều ấy lại đang bị không ít gia đình bỏ qua.
“Uốn nắn” nhân cách
KTĐT - Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, 70% người trẻ "sợ" vào đời vì không hoặc chưa đủ tự tin để đối diện với cuộc sống và mơ hồ về giá trị sống.
Phần lớn là do thiếu định hướng từ gia đình. Hiện nay, khi trẻ được lớn lên trong sự đủ đầy, sống trên internet nhiều hơn đời thực, những giá trị sống còn tồn tại trong một bộ phận giới trẻ đang là thực trạng đáng buồn. Nhưng nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng, việc giáo dục giá trị sống cho con là không cần thiết, nên rất ngại khi dạy con phải biết sống có lý tưởng, bao dung, độ lượng, cảm thông với mọi người. Trong khi đó, chính con họ lại rất phân vân khi không biết những hành vi của mình thế nào là hư và không ai bảo trẻ vì sao phải làm thế này và không được làm thế kia.
Đừng để trẻ "tự do" phát triển nhân cách, đó là lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý giáo dục. Gia đình hãy dìu dắt để trẻ lĩnh hội được những bài học đầu tiên về ngôn ngữ, hành vi ứng xử và những quy tắc đạo đức phù hợp. Bởi, ranh giới giữa hành vi ngoan và hư của trẻ rất mong manh, đặc biệt khi trẻ không hiểu được giá trị thật của việc mình làm. Do đó, việc giáo dục giá trị sống cho trẻ là việc làm cấp thiết. Chỉ khi trẻ hiểu được giá trị của sự cảm thông, bao dung, độ lượng…, khi ấy chúng sẽ hiểu một người tốt là phải biết yêu thương và khó hình thành hành vi làm tổn thương người khác.