Usilk City và cuộc giải cứu chưa có tiền lệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một thoả thuận “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường bất động sản đã xảy ra khi khách hàng dự án Usilk City đã thay chủ đầu tư trở thành người kiểm soát dòng tiền đổ vào dự án này chỉ với mong muốn duy nhất là được nhận nhà trong thời gian sớm nhất.

Hơn 2 năm nay, dự án Usilk City của Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (khu đô thị Văn Khê, Hà Nội) được nhắc đến với nghĩa như là một thảm hoạ về tiến độ. Hàng trăm khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án này gần như hết hy vọng khi những khối nhà dù đã có hình hài cứ nằm “đắp chiếu” dưới nắng mưa nhiều năm trời, mà ngọn nguồn được cho là do chủ đầu tư đã mang tiền của khách hàng đổ vào nhiều dự án khác suốt từ Bắc chí Nam.

Nguy cơ “chết đứng” của chủ dự án lẫn khách hàng tại dự án này đang ngày càng hiện rõ hơn khi chủ đầu tư không có tiền để hoàn thành nốt dự án, trong khi khách hàng cũng kiên quyết không đóng nốt số tiền còn lại vì niềm tin với chủ dự án đã không còn.
 
 
Usilk City và cuộc giải cứu chưa có tiền lệ - Ảnh 1
 
Cái bắt tay có phần muộn màng giữa chủ đầu tư Usilk City và khách hàng được kỳ vọng sẽ giúp dự án thoát khỏi những tháng ngày "đắp chiếu".

Thế nên, sau hàng loạt khiếu kiện, tố cáo bất thành, mới đây, nhóm khách hàng của Usilk City đã đưa ra một phương án mà theo họ chính là cách để “tự cứu mình” bằng việc sẽ tiếp tục đóng tiền cho chủ đầu tư thông qua việc mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Thanh Xuân.

Thoả thuận này ngay sau đó đã nhận được sự đồng thuận của Công ty Sông Đà Thăng Long cũng như phía ngân hàng.

Theo đó, các khách hàng mua nhà sẽ nộp số tiền còn lại của mình theo hợp đồng bắt đầu muộn nhất là từ ngày 1/8/2013. Số tiền sẽ nộp tương ứng 1/23 tổng số tiền còn lại của mình, trong đó 23 tuần là thời gian mà công ty dự kiến hoàn thiện 3 toà nhà tại cụm CT1 của dự án.

Tuy nhiên, thay vì nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư, các khách hàng gồm 1 đại diện của chủ đầu tư và 3 đại diện của khách hàng sẽ mở tài khoản tại Ngân hàng BIDV Thanh Xuân. Từ tài khoản cá nhân của khách hàng, ngân hàng sẽ đổ tiền vào tài khoản chung này, sau đó từ tài khoản chung này chuyển vào tài khoản của Công ty Sông Đà Thăng Long tại BIDV, trên cơ sở đã kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng.

Tất nhiên, Sông Đà Thăng Long cũng không được rút tài khoản này mà ngân hàng sẽ chuyển số tiền từ tài khoản của chủ đầu tư để giải ngân cho các nhà thầu. Với cách làm này, hầu hết khách hàng đều tin rằng, số tiền họ đóng tiếp vào dự án sẽ không bị các đối tác khác của chủ đầu tư siết nợ.

Tại buổi làm việc với khách hàng chiều 25/7, Chủ tịch Sông Đà Thăng Long Nguyễn Trí Dũng khẳng định, doanh nghiệp này cũng đã công khai nhận lỗi với khách hàng vì sự đầu tư dàn trải của mình. Thế nhưng, thực tế hiện nay “niềm tin trong mọi người đều đã bị sứt mẻ rất nhiều, hầu như chúng ta không tin nhau nên không thể làm việc bằng niềm tin được nữa”.

Do vậy, theo vị Chủ tịch Sông Đà Thăng Long, đây là giải pháp tối ưu không chỉ cho Usilk City mà có thể cho nhiều dự án bất động sản khác có chung số phận.

Trong khi đó, theo một đại diện khách hàng, với sáng kiến này, hiện số người đồng ý nộp tiền tiếp tại 3 toà nhà của CT1 đang ngày một tăng lên. Thậm chí, có một số lượng khá lớn khách hàng ở các toà nhà khác đang chờ để đăng ký nộp tiền thế chỗ nếu có khách hàng ở CT1 không đóng tiền và thanh lý hợp đồng.

“Chúng tôi tin là mình sẽ có thể nhận được nhà vào cuối năm nay và Sông Đà Thăng Long cũng là doanh nghiệp bất động sản đầu tiên thoát khỏi khủng hoảng nhờ những sáng kiến đến từ phía người mua nhà”, một khách hàng chia sẻ.