70 năm giải phóng Thủ đô

Ưu đãi lãi suất, không hạ chuẩn tín dụng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kí ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định về việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Gói vay 30.000 tỷ đồng cho bất động sản được giải ngân bắt dầu tư 1/6/2013.

Ưu đãi lãi suất, không hạ chuẩn tín dụng - Ảnh 1
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng- Ngân hàng Nhà nước (ảnh bên) cho rằng, gói 30.000 tỷ chỉ hỗ trợ về lãi suất, thời hạn và nguồn vốn. Còn cơ chế về cho vay, ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo cơ chế bình thường. “Tôi nhấn mạnh là chúng ta không hạ chuẩn tín dụng để nợ xấu lại phát sinh, gây những hậu quả khó giải quyết sau này”- ông Mạnh nói.

Không phải ai muốn vay cũng được

Nhiều ý kiến cho rằng người thu nhập thấp cần được vay với thời hạn dài hơi hơn, thay vì chỉ được vay 10 năm như quy định tại Thông tư. Ông nói gì về điều này?

Ông Nguyến Viết Mạnh: Trong Thông tư, NHNN quy định các NHTM cho vay tối thiểu là 10 năm, trong 10 năm là được hỗ trợ lãi suất thấp, còn sau 10 năm, người đi vay sẽ phải chấp nhận chế độ lãi suất thương mại. Như vậy là không có nghĩa là chỉ cho vay 10 năm, mà khoản vay của những người có nhu cầu có thể kéo dài đến 15 năm, tùy theo khả năng tài chính của mỗi người. Các NHTM thẩm định và quyết định cho vay.

Thưa ông, tại sao NHNN lại đưa ra gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, mà không phải là 20 hay 40 nghìn tỷ đồng?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Vì căn cứ vào chính sách điều hành, chính sách tiền tệ. Chúng ta đang phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, cho nên giữa khoảng cách 20 và 40, thì đưa ra gói 30 nghìn tỷ đồng thời điểm này là phù hợp với chính sách tiền tệ của NHNN.

Vậy trong trường hợp nếu 30 nghìn tỷ đồng này mà nền kinh tế hấp thụ rất nhanh, thì liệu NHNN có tính tăng thêm không?

Ông Nguyến Viết Mạnh: Chúng tôi sẽ theo dõi. Khi triển khai một chương trình, phải có tiến độ theo dõi. Trong trường hợp thật sự nó có hiệu quả cho nền kinh tế, cùng với cân đối giữa chính sách tiền tệ về lạm phát và khả năng của NHNN và Chính phủ, thì NHNN sẽ có những đề xuất cụ thể.

Ông có lo ngại sẽ có tình trạng lách luật và vốn vay sẽ không chảy về đúng đối tượng?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Nếu triển khai, chương trình sẽ chỉ hỗ trợ về nguồn vốn và lãi suất, quy trình cho vay và điều kiện tín dụng thuộc trách nhiệm của các ngân hàng. Hơn nữa, dự kiến nguồn tái cấp vốn của NHNN cho các NHTM (khoảng 30.000 tỉ đồng) chỉ thấp hơn lãi vay vẻn vẹn 1,5% nên các NHTM sẽ chịu thiệt nếu quản lý không tốt việc cho vay. Khi vay, hồ sơ xin vay phải có giấy chứng nhận đúng đối tượng được cấp có thẩm quyền xác nhận. Còn các ngân hàng khi cho vay cũng phải có thông báo trên toàn hệ thống do Trung tâm Thông tin tín dụng quản lý. Do đó trong khuôn khổ gói hỗ trợ này, mỗi khách hàng chỉ có thể được vay một lần và không phải ai muốn vay cũng được.

Không hạ chuẩn tín dụng

Nhằm vào đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở thực sự, vậy điều kiện cho vay có được ưu đãi, đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng người nghèo khó tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp?

Ông Nguyến Viết Mạnh:
Quy chế cho vay hiện tại có thể áp dụng tài sản đảm bảo, có thể áp dụng tín chấp. Đó là quy chế mà NHNN cho phép. Tuy vào khả năng từng đối tượng khách hàng để áp dụng. Tôi cũng cho rằng việc mua nhà này có thể thế chấp bằng bản thân ngôi nhà đang mua. Ngoài ra, việc thực hiện thông tư này là theo cơ chế, chính sách mà NHNN đã trao đổi với các NHTM dựa trên những quy định cụ thể đang cho vay. Và đối với gói 30 ngàn tỷ đồng này là chỉ được hỗ trợ về lãi suất, về thời hạn và nguồn vốn. Còn các cơ chế về cho vay, các NHTM vẫn cho vay theo cơ chế bình thường. Tôi nhắc lại là về tín dụng, sẽ không hạ chuẩn tín dụng để lại mắc vào bẫy dư nợ xấu, gây khó khăn sau này. Đấy là chính sách của NHNN đưa ra từ trước đến nay. Các NHTM phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề xử lý rủi ro.

Vậy 5 ngân hàng được triển khai cho vay là do ai chỉ định?

Ông Nguyến Viết Mạnh: Chính phủ chỉ định, đã đưa vào Nhị quyết 02

Về tiến độ cho vay, liệu các thủ tục có được giải quyết nhanh chóng, hay lại có hiện tượng “om” hồ sơ không, thưa ông?

Ông Nguyến Viết Mạnh: Cái này phụ thuộc vào tình hình thẩm định hồ sơ của khách hàng. Nếu khách hàng sẵn sàng, thì giải ngân sẽ rất nhanh. Còn các điiều kiện của khách hàng chưa sẵn sàng, thì họ phải hoàn thiện xong mới cho vay được.

Có giải pháp gì để vốn không chảy vào các DN thân quen, DN “sân sau” và những Dự án mà chính ngân hàng đó đang vướng trong vũng lầy nợ xấu không, thưa ông?

Ông Nguyến Viết Mạnh:
Thứ nhất, DN đủ điều kiện vay vốn là do Bộ Xây dựng công bố. Bộ Xây dựng phối hợp với từng địa phương để lên danh sách DN nào được phép. Còn việc cho rằng cá nhân chỉ được mua ở những dự án mà NH cho vay góp vốn thì hiện không có quy định như vậy. Có nghĩa là anh nào có đủ điều kiện trong các dự án, kể cả các dự án mà đối tượng không được vay DN, NH vẫn cho vay đối tượng mua nhà vay, miễn là đảm bảo các điều kiện của Bộ Xây dựng.

Xin cảm ơn ông!