Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên đầu tư, cải tạo chợ truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND các quận, huyện và DN tham gia đầu tư xây mới, cải tạo hệ thống chợ cần đặt việc duy trì phát triển mô hình truyền thống lên hàng đầu.

 Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi làm việc ngày 13/11 với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan về việc cải tạo, xây dựng hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới.

Thất bại vì xem nhẹ yếu tố chợ

Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, trong 3 năm gần đây (2011 - 2013), ngành công thương TP đã đầu tư gần 204 tỷ đồng cho việc cải tạo, xây mới 89 chợ. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 6 công trình chợ - trung tâm thương mại (TTTM), văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng mô hình này hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân là do khu vực chợ truyền thống bố trí không thuận tiện cho nhu cầu mua sắm của người dân. Một số chủ đầu tư yếu về tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án nên thường bố trí chợ truyền thống tại khu vực tầng hầm, bán hầm của tòa nhà mà không tính đến thói quen đi chợ của đại bộ phận người dân và đại đa số ngại gửi xe để vào chợ. Tình trạng chợ cóc, chợ tạm vây xung quanh mô hình chợ -TTTM cũng khiến việc khai thác khả năng kinh doanh gặp nhiều khó khăn...
Cải tạo chợ cần chú trọng mô hình chợ truyền thống. Trong ảnh: Chợ Bưởi kinh doanh đạt hiệu quả bởi giữ mô hình chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Cải tạo chợ cần chú trọng mô hình chợ truyền thống. Trong ảnh: Chợ Bưởi kinh doanh đạt hiệu quả bởi giữ mô hình chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Việc mô hình chợ - TTTM hoạt động không hiệu quả, chủ đầu tư dự án cải tạo, xây mới chợ chưa quan tâm trong việc giữ lại mô hình chợ truyền thống là một trong những nguyên nhân khiến các hộ đang kinh doanh tại địa điểm dự kiến xây dựng mô hình chợ - TTTM luôn xảy ra khiếu kiện khi có thông tin sẽ cải tạo, xây mới. Chính vì vậy, nhiều DN chưa thể triển khai các dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ gồm: Chợ Thành Công B, Châu Long (quận Ba Đình); Thượng Đình (quận Thanh Xuân); Xuân La (quận Tây Hồ); Đuôi Cá, Trương Định (quận Hoàng Mai).

Đẩy mạnh đầu tư hệ thống chợ truyền thống

Để có thể đẩy mạnh việc cải tạo, xây mới hệ thống chợ, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động đòi hỏi DN trong quá trình đầu tư phải chú trọng phát triển mô hình chợ truyền thống. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội và đại diện UBND các quận có chung kiến nghị: UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng lấy ý kiến Bộ Xây dựng về mô hình thiết kế mẫu đối với công trình hỗn hợp chợ truyền thống kết hợp với các loại hình dịch vụ khác. Việc làm này sẽ khuyến khích, thu hút DN tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ dân sinh thuần túy, qua đó hạn chế việc phát sinh chợ cóc.

Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa đề nghị: Thời gian tới, UBND quận Đống Đa tiến hành sửa chữa, nâng cấp chợ Ngã Tư Sở theo mô hình chợ truyền thống. Để tạo điều kiện cho quận Đống Đa thu hút DN đầu tư, quản lý khai thác hiệu quả khu chợ này, Sở TN&MT nên phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất cơ chế miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN. Đồng thời, Sở KH&ĐT trong quá trình cấp giấy phép đầu tư cho DN nên yêu cầu DN khi đầu tư cải tạo, xây mới chợ phải đặt mục tiêu đảm bảo mô hình chợ truyền thống lên hàng đầu. Việc làm này sẽ góp phần thu hút các hộ kinh doanh và người tiêu dùng chấp nhận việc cải tạo chợ theo mô hình mới, qua đó hạn chế việc nảy sinh chợ cóc, chợ tạm.

Nhằm đẩy mạnh việc cải tạo, xây mới chợ dân sinh theo mô hình truyền thống qua đó thu hút người kinh doanh, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo: Trong thời gian tới, những chợ mặc dù đã được nâng cấp nhưng hoạt động chưa hiệu quả, UBND quận, huyện cùng với DN quản lý chợ xây dựng phương án nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, chú trọng việc giải tỏa chợ cóc trong khu vực lân cận, giảm giá thuê địa điểm kinh doanh qua đó thu hút các hộ kinh doanh. Đối với những chợ đang chuẩn bị xây mới như chợ Thành Công B, Ngã Tư Sở, Châu Long... phải đảm bảo giữ được mô hình chợ truyền thống, đồng thời bố trí đủ diện tích sắp xếp các hộ đã kinh doanh tại chợ cũ. Trong quá trình triển khai dự án, UBND quận, huyện và DN đầu tư phải công khai cho người dân biết, qua đó tạo sự đồng thuận của người dân. Duy trì mô hình chợ truyền thống khi lập dự án đầu tư xây dựng, cải tạo không chỉ giúp DN hoạt động hiệu quả mà còn tạo điều kiện cho ngành công thương xây dựng hệ thống chợ văn minh hiện đại.