Chỉ số giá tiêu dùng phải dưới 10%
Hầu hết các ĐBQH đều cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn phải là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Theo đại biểu (ĐB) Mai Hữu Tín (Bình Dương), việc quan trọng nhất hiện nay là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó. Tuy con số này sẽ gây áp lực lớn khiến tăng trưởng khó đạt 6% nhưng nếu tiếp tục duy trì lạm phát 2 con số trong vài năm nữa thì Việt Nam sẽ đánh mất gần hết những thành quả về kinh tế - xã hội đã đạt được trước đó. ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) nhấn mạnh, chỉ số giá tiêu dùng năm tới nhất thiết phải lùi về một con số, lãi suất cần hạ xuống 15%.
Trong khi đó, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị trước mắt không nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở năm 2012 mà chấp nhận chỉ tiêu thấp hơn năm 2011. Mục tiêu số 1 và quan trọng cần tập trung tạo sự đồng thuận từ nội bộ, đến quần chúng nhân dân đó là đưa lạm phát năm 2012 về một con số, các năm sau đó thấp hơn và đến năm 2015 lạm phát khoảng từ 5 - 7%.
"Ngân hàng lấy tiền đi mua bất động sản, rồi không còn tiền, lại nâng lãi suất để huy động tiền gửi, lấy tiền người sau trả cho người trước. Ngân hàng ôm đất người mua, rồi ôm cả của người thế chấp, tình hình rất lộn xộn. Việc "nắn chỉnh" ngân hàng là cần thiết nhưng phải làm thận trọng, bởi chúng ta diệt "sâu" nhưng vẫn phải đảm bảo giữ lúa đủ tốt cho vụ mùa bội thu". ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP Đà Nẵng) |
Thời gian qua, lạm phát cao, lãi suất ngất ngưởng đã khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị điêu đứng. Từ góc độ một doanh nghiệp, ĐB Mai Hữu Tín khẩn thiết đề nghị: "Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang "dở sống, dở chết". Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, tôi e rằng phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế".
ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, cần có những giải pháp mạnh hơn về vốn. Ví dụ, có thể chúng ta vừa chỉ đạo, vừa thuyết phục các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, giảm bớt lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ về đất đai, về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ lại sau đầu tư và các chi phí khác. Các ngân hàng vẫn báo lãi hàng nghìn tỉ đồng vì thế nên chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp để tất cả đều tồn tại, đều phát triển.
Liên quan tới vấn đề ngân hàng, nhiều đại biểu cho rằng, hiện đang có khá nhiều ngân hàng yếu kém, trong đó chủ yếu là các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn mới được nâng cấp lên đô thị có vốn thấp nhưng lại cố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nóng trong khi quản trị kém dẫn tới nhiều rủi ro và làm ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng. Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), nhất thiết phải tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, việc này cần làm quyết liệt nhưng vì sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều nhóm, nhiều bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình cụ thể nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế vĩ mô.
Rốt ráo cắt giảm đầu tư công
Để thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số, các ĐB cho rằng dứt khoát phải thắt chặt tài chính. "Tôi đề nghị hạn chế chi cho tiêu dùng và ưu tiên tập trung chi cho đầu tư phát triển, tăng cường rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại danh mục đầu tư công" - ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đặt vấn đề.
ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) đánh giá, chính sách tiền tệ và tài khoá, thắt chặt đầu tư công vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Đầu tư công vẫn tăng tới 15%, với 23.000 tỷ đồng. Cụ thể là trong một năm, chúng ta phê duyệt trên 20.000 dự án, trong đó có 15.000 dự án tiếp tục đầu tư, hơn 5.400 dự án đầu tư mới. Những dự án này chủ yếu là do nước ta phải vay tiền nước ngoài. Vì vậy, cần quản lý, siết chặt nợ công.
Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, Chính phủ cần đưa ra quy định nợ công đến mức nào, ngưỡng nào là an toàn. Đặc biệt cần cân nhắc đầu tư vào đâu có hiệu quả, việc đầu tư phải huy động được nguồn vốn trong xã hội. Theo ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình), nên ưu tiên cho phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, các công trình trọng điểm, ưu tiên cho các tỉnh nghèo.
Trong khi ngành nông nghiệp đóng góp 20% GDP thì đầu tư cho khu vực này trong 10 năm qua giảm mạnh. Từ 13,85% tổng nguồn vốn đầu tư đến năm 2008, mức này chỉ còn 6,45% và đến năm 2010 và 2011 mức này giảm dưới 6%. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp - nông thôn khó khăn hơn rất nhiều loại hình các doanh nghiệp khác trong việc tiếp cận nguồn vốn vay khi mà các tổ chức tín dụng xếp các doanh nghiệp này vào đối tượng có độ rủi ro lớn.
Còn ĐB Lê Phước Thanh cho rằng, tập trung vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết. "Theo quan điểm của chúng tôi điều đầu tiên hiện tại chúng ta phải khẳng định hạ tầng kinh tế khó khăn nhất của Việt Nam chúng ta vẫn là giao thông. Do vậy vấn đề đầu tiên là phải ưu tiên tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông" - ông Thanh nói.
Tìm "thuốc" trị "bệnh" ùn tắc giao thông Trong phiên thảo luận hôm qua, nhiều ĐB đã mổ xẻ tình trạng ùn tắc giao thông và đề xuất phương án đề giải bài toán này. Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên) nhìn nhận, nguyên nhân đầu tiên là ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông quá kém. Trên 80% tai nạn do lỗi của người điều khiển phương tiện, nhưng nguyên nhân quyết định dẫn đến tình trạng trên là do yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm chậm được khắc phục. Đó là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hạ tầng và phương tiện. Việc cho phép phát triển ồ ạt phương tiện trong 10 năm qua đã vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng. ĐB Lê Thị Nga bức xúc: Chưa có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm vì để xảy ra tai nạn, chưa có Bộ trưởng nào bị miễn nhiệm vì việc này. Muốn giải quyết triệt để vấn đề, phải thực hiện quyết liệt chứ không thể làm theo phong trào. Cần triển khai những biện pháp hành chính mạnh, cho phép Hà Nội, TP. HCM được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết giao thông. Không thể có một giải pháp làm hài lòng tất cả các đối tượng trong xã hội nên lợi ích thiểu số phải nhường cho lợi ích cộng đồng. "Nếu không làm ngay tất cả những gì có thể làm, chúng ta sẽ lại đành bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết vào năm sau. Hải Lý |