Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2011, lãnh đạo hai cơ quan khẳng định, TP Hà Nội đã có nỗ lực rất lớn, kinh tế tăng 9,4%, cao gấp 1,6 lần mức tăng cả nước; thu ngân sách ước đạt trên 87,3 nghìn tỉ đồng, dự kiến thu vượt 7- 8% dự toán năm Chính phủ giao... Trong đó, vốn đầu tư phát triển tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2010, đạt ước 130 nghìn tỉ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) phục hồi, với số vốn đăng ký gần 1 tỉ USD, gấp gần 3 lần so cùng kỳ 2010, trong đó các dự án thực hiện đạt 750 triệu USD, tăng 19%, có 12.980 doanh nghiệp (DN) trong nước thành lập mới, đăng ký trên 95,8 nghìn tỉ đồng, tăng 6,6% so cùng kỳ, là dấu hiệu tăng trưởng tích cực…; Lạm phát từng bước được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm nhiều, chỉ còn tăng 0,2% so 3,28% (tháng 4). Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội bảo đảm, hỗ trợ khoảng 16,5 nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 106.000 lao động, đào tạo nghề cho trên 103.000 người, trong đó có 5.000 lao động nông thôn… Lĩnh vực VH - XH, GD & ĐT, KH - CN, y tế; công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng (XD) đô thị và XD nông thôn mới được tích cực triển khai; Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh…, đã tạo đà cho Thủ đô tiếp tục đổi mới.
Dự kiến, năm 2012, kế hoạch của Hà Nội đặt ra mục tiêu tăng trưởng (GDP) từ 11- 12%, trong đó vốn đầu tư phát triển tăng 18,5 - 19,5%; nhiều chi tiêu kinh tế, xã hội khác tăng cao, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn… Để thực hiện mục tiêu trên, UBND TP đề xuất, kiến nghị 6 nội dung với Bộ KH - ĐT. Trong đó, đề nghị Bộ xem xét phê duyệt cho TP Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách TƯ cho các công trình, dự án trọng điểm quan trọng do Hà Nội quản lý và thực hiện, đa phần là đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường giao thông; hạ tầng xã hội; vốn đối ứng ODA cho các dự án: tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long- Thượng Đình), tuyến đường sắt đô thị thí điểm (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội)… Đặc biệt, là Bộ cần tháo gỡ các khó khăn về cơ chế chính sách trong công tác quản lý các dự án ĐT, đấu thầu, cấp giấy chứng nhận đầu tư; thực hiện các dự án đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT…
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, với đặc thù của Thủ đô, TP rất cần những cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển; khẳng định, thời gian qua Bộ KH - ĐT và TP đã hợp tác, đạt hiệu quả tích cực cần phát huy; đề nghị các ngành chức năng của Bộ và UBND TP cần đổi mới trong việc hợp tác, theo hướng tăng cường cập nhật thông tin, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ những thủ tục cụ thể, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm của TP cũng như các dự án đầu tư mới.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao vai trò kinh tế Thủ đô, đóng góp nhiều cho ngân sách; khẳng định, việc đầu tư cho Hà Nội là cần thiết và phải có cơ chế đặc thù để TP thực hiện mục tiêu này; cam kết Bộ sẽ có trách nhiệm hỗ trợ Hà Nội thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển năm 2012 và những năm tới.
Năm 2012, TP đề nghị T.Ư hỗ trợ đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó: Dự án (DA) quốc lộ 1A: 837 tỉ đồng; Đường 5 kéo dài: 500 tỉ đồng; Vành đai 2 (Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng): 200 tỉ… DA cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2): 500 tỉ đồng; Nâng cấp hệ thông đê sông đến năm 2010 là 113, tỉ đồng; DA xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội khu tái định cư trường bắn Đồng Doi (Ba Vì: 50 tỉ đồng; DA thuộc chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững: 22,7 tỉ đồng… |